Dồn gánh nặng cho doanh nghiệp

Dồn gánh nặng cho doanh nghiệp
6 giờ trướcBài gốc
“Không lý do gì không thực hiện”
Cụ thể, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia (dự thảo Luật), Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế theo hướng quy định các sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn này. Đồng thời, bổ sung khoản 4a Điều 98 Luật Quản lý thuế quy định các sàn thương mại điện tử và các tổ chức cung cấp dịch vụ logistics hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin của thương nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử hoặc sử dụng dịch vụ vận chuyển của các tổ chức logistics.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III.2024 do Bộ Tài chính tổ chức sáng 27.9, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, đây là giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số và thương mại điện tử rất phát triển hiện nay.
Ông Minh cho biết, theo Nghị định số 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, các sàn thương mại điện tử phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan thuế cũng đã được quy định trong luật về thuế, nhằm phục vụ mục đích quản lý thuế. Bây giờ thêm một bước nữa là các sàn thương mại điện tử thực hiện kê khai thay, hay quy định các cơ sở logistics phải cung cấp thông tin là nhằm cụ thể hóa các biện pháp về quản lý thuế.
Các đại biểu tham dự họp báo sáng 27.9. Ảnh: Minh CHâu
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thực hiện Luật Quản lý thuế, nhà cung cấp nước ngoài không có hiện diện ở Việt Nam có trách nhiệm kê khai thay, nộp thuế thay tại cổng thông tin điện tử của Việt Nam và Tổng cục Thuế. Hiện, có 108 nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook… đã thực hiện. Do vậy, với đề xuất các nhà cung cấp trong nước cũng phải kê khai thay, nộp thuế thay “là bảo đảm nguyên tắc công bằng”. “Các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện được thì không lý do gì các nhà cung cấp trong nước, các sàn thương mại điện tử không thực hiện”, ông Minh nhấn mạnh.
Về mặt kỹ thuật, ông Minh cho biết, qua phỏng vấn các sàn thương mại điện tử trong nước, giám đốc các doanh nghiệp này đều khẳng định là khi Nhà nước có quy định phải kê khai thay, nộp thuế thay sẽ hoàn toàn làm được. Bởi thực tế, khi người dân, doanh nghiệp giao dịch trên các sàn thì các giao dịch, thanh toán, doanh thu đều được quản lý rất chặt chẽ bằng công nghệ.
Lo đẩy gánh nặng về phía doanh nghiệp
Tuy vậy, trong văn bản góp ý sửa đổi Luật Quản lý thuế, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) không đồng tình với đề xuất trên.
Cụ thể, theo VECOM, Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định sàn thương mại điện tử là “website/ứng dụng thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó”. Sàn thương mại điện tử không phải đối tượng thuộc 5 trường hợp tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập cho cá nhân được quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân. Do đó, việc buộc trách nhiệm cho các sàn thương mại điện tử phải kê khai thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn (gọi chung là người bán) là không phù hợp với Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Bên cạnh đó, Luật Thuế giá trị gia tăng quy định rõ người nộp thuế này là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng. Luật Thuế giá trị gia tăng cũng chưa cho phép áp dụng cơ chế khấu trừ, quyết toán, hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Như vậy, quy định tại khoản 4 Điều 42 của dự thảo Luật cũng mâu thuẫn với Luật Thuế giá trị gia tăng và không khả thi, đặc biệt sẽ dẫn đến thiệt thòi cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong trường hợp nộp thừa thuế.
Cũng theo VECOM, quy định trên không phù hợp với thực tế và tạo ra nhiều gánh nặng cũng như chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Hiện, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng được áp dụng với nhiều mức thuế khác nhau cho các đối tượng, hàng hóa, dịch vụ khác nhau. Việc phân loại người bán, cũng như phân loại mặt hàng, dịch vụ để tính toán mức thuế, kê khai và nộp thuế hầu như chưa thể thực hiện được một cách tự động đối với các sàn thương mại điện tử.
“Về bản chất, việc kê khai thay, nộp thuế thay chính là thu thuế thay cho cơ quan thuế. Đây là vấn đề nằm ngoài chuyên môn, lĩnh vực hoạt động chính của các sàn thương mại điện tử nên sẽ tạo cho các sàn gánh nặng trong việc đầu tư và vận hành”, VECOM lo ngại.
Dẫn khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào năm 2022, VECOM cho biết, dự kiến, quy định kê khai, nộp thuế thay này đòi hỏi các sàn thương mại điện tử phải đầu tư chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho việc thực thi. Khoản chi phí này đến từ các yêu cầu về vận hành, bao gồm bổ sung nhân sự chuyên môn, thay đổi cấu trúc tổ chức và vận hành, đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống, công nghệ, cơ sở dữ liệu… nhằm phục vụ việc thực hiện trách nhiệm kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán, thay vì tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công việc kinh doanh cốt lõi.
“Mặc dù quy định này có thể giúp giảm đầu mối kê khai, giảm gánh nặng cho cơ quan thuế, nhưng thực chất mọi gánh nặng sẽ được đặt lên các sàn thương mại điện tử vốn không có chuyên môn và không phải là đại lý thuế. Điều này gây lo lắng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, gây ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế”, VECOM nêu.
Ngoài ra, kinh nghiệm tại các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Hoa Kỳ… đều không có quy định yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải kê khai thay, nộp thuế thay (đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân) cho người bán. Người bán tự chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ về thuế của mình. Vì thế, VECOM đề xuất loại bỏ quy định trên trong dự thảo Luật.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ thì việc thay đổi cách thức quản lý thuế là điều đương nhiên. Nhấn mạnh các giải pháp mới mà Bộ đưa ra đều được cân nhắc kỹ lưỡng, dù vậy, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Thuế cùng các bên liên quan cần tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý để nếu cần thiết thì điều chỉnh cho phù hợp.
Minh Châu
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/don-ganh-nang-cho-doanh-nghiep-post391646.html