Nỗ lực để Mường Lát thoát nghèo

Nỗ lực để Mường Lát thoát nghèo
2 giờ trướcBài gốc
Theo ông Lê Đức Giang, sau gần 30 năm thành lập huyện, được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực, phấn đấu Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Mường Lát đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Ông Lại Thế Nguyên, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa (bên trái), và ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, thăm mô hình trồng sắn của bà con huyện Mường Lát
Tuy nhiên, Mường Lát vẫn là huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là tự cung, tự cấp, chưa xác định được cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Hiệu quả kinh tế rừng thấp; quy mô sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn hạn chế. Thu ngân sách trên địa bàn còn rất thấp, kết cấu hạ tầng còn yếu kém, chưa đồng bộ. Mức thụ hưởng văn hóa, y tế, giáo dục còn thấp. An ninh trật tự trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Qua đánh giá đầy đủ các yếu tố thuận lợi, khó khăn, hạn chế của huyện Mường Lát, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11 ngày 29-9-2022 về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển huyện Mường Lát để trực tiếp chỉ đạo sâu sát, kịp thời, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển huyện đến năm 2030.
Sau hai năm thực hiện, dưới sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Lát, đến nay đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Người dân xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát thu hoạch dưa hấu
Cụ thể, Mường Lát đã xây dựng được bản đồ nông hóa thổ nhưỡng để lựa chọn được cây trồng phù hợp với địa phương, thu ngân sách bình quân; tổng sản lượng lương thực, tỉ lệ hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người; tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, tỉ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn... đều vượt mục tiêu nghị quyết đề ra.
"Có thể khẳng định Nghị quyết số 11 ngày 29-9-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Lát, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời của các cơ chế chính sách đã đề ra và là tiền đề quan trọng trong những năm tới để huyện Mường Lát từng bước thoát nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân"- ông Giang thông tin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết Nghị quyết đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển cho từng giai đoạn, song song với đó là các cơ chế, chính sách và các nhiệm vụ, giải pháp có tính chất dài hơi. Tuy nhiên, vẫn còn vô vàn thách thức đặt ra cho huyện Mường Lát ở những giai đoạn tiếp theo để có thể tiếp tục phát triển.
Vì vậy, sau khi hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết 11, huyện Mường Lát cần chủ động, tự lực, tự cường phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh, cùng với đó kế thừa, phát triển hiệu quả các thành quả đã đạt được, tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực đã được xác định, tăng cường tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, quan tâm hơn nữa đến an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tập trung khắc phục các hạn chế, yếu kém còn tồn tại.
Với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh Thanh Hóa, Mường Lát đang từng bước đổi thay, gần hơn với miền xuôi
Về phía tỉnh Thanh Hóa, sẽ tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương, đồng thời, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đồng hành và định hướng cho huyện Mường Lát kế thừa và phát huy các thành quả đã đạt được; phấn đấu đưa huyện Mường Lát thoát nghèo và bắt kịp với tốc độ phát triển của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.
"Tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Mường Lát; huyện Mường Lát sẽ sớm thoát nghèo và đạt được nhiều thành quả hơn nữa trong phát triển kinh tế, xã hội"- ông Giang chia sẻ.
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư 100 tỉ đồng để hỗ trợ Mường Lát xây dựng 16 trường học, từng bước thay đổi kết cấu hạ tầng trên địa bàn; dự kiến trong các năm tiếp theo sẽ tiếp tục bố trí nguồn vốn để hỗ trợ huyện đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng - kinh tế xã hội.
Đồng thời, chỉ đạo có các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân; tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; chỉ đạo lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để ưu tiên, đầu tư cho Mường Lát.
Tuấn Minh
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/don-luc-de-muong-lat-thoat-ngheo-196241123133924157.htm