Ngày 22-10-1963, thực hiện Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 50/QĐ thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân, trên cơ sở hợp nhất Bộ tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam, là sự chuẩn bị trực tiếp cả về tinh thần và lực lượng để bộ đội Phòng không - Không quân sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ra miền Bắc.
Từ năm 1965, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại, lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam đã thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mở mặt trận trên không thắng lợi”. Ngay trong trận ra quân đầu tiên ngày 3 và 4-4-1965, đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ. Trải qua ba năm chiến đấu đầy cam go, lực lượng Phòng không ngày càng trưởng thành, vượt qua nhiều thử thách, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, tiêu diệt hàng nghìn máy bay Mỹ. Những thành tích đó không chỉ được Đảng và Nhà nước ghi nhận mà còn luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm theo dõi, kịp thời động viên, khích lệ. Những câu chuyện giản dị mà sâu sắc về tình cảm của Bác dành cho bộ đội Phòng không nói chung và chiến sĩ Quân khu 4 nói riêng đã trở thành huyền thoại.
Tờ “Đồng bạc Việt Nam” mệnh giá một đồng, phát hành năm 1958, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 4.
Mùa hè năm 1967, thời tiết Hà Nội oi bức. Sức khỏe của Bác khi ấy đã yếu, tuổi cao. Tuy vậy, Bác không sử dụng điều hòa, vì Bác tiết kiệm. Trong cái nắng gắt ấy, Bác nghĩ đến những người lính trực chiến trên nóc hội trường Ba Đình. Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của mình về tình hình sinh hoạt của các chiến sĩ và yêu cầu lên kiểm tra.
Sau khi đồng chí Vũ Kỳ báo cáo lại rằng ụ súng sơ sài, nắng gắt và không có cả nước chè để uống, Bác lập tức gọi điện cho Đại tướng Văn Tiến Dũng nhắc nhở phải lo nước uống cho bộ đội và đảm bảo an toàn cho các chiến sĩ. Sau một lúc trầm ngâm, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ lấy sổ tiết kiệm của mình để xem còn bao nhiêu tiền. Khoản tiết kiệm hơn 25.000 đồng, một số tiền rất lớn thời đó, số tiền chủ yếu là tiền nhuận bút của Bác do các báo gửi. Bác dặn phải chuyển toàn bộ số tiền ấy đến Bộ Tổng tham mưu để mua nước ngọt cho Bộ đội Phòng không, không chỉ cho lực lượng trực chiến tại Ba Đình mà cho tất cả các đơn vị đang làm nhiệm vụ khắp miền Bắc. Bác còn nhấn mạnh rằng nếu số tiền đó không đủ thì đề nghị địa phương nơi đơn vị đóng quân góp phần cùng chăm lo.
Trong tổng số tiền ấy, Bộ đội Phòng không Quân khu 4 được Bác dành tặng 3.000 đồng để mua chè nấu nước. Đồng bạc một đồng hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 4 chính là một phần của món quà đầy tình nghĩa ấy. Đây không chỉ là tấm lòng của một vị lãnh tụ mà còn là nguồn động viên lớn giúp chiến sĩ vững vàng hơn giữa những ngày tháng chiến đấu ác liệt.
Các em học sinh trên địa bàn tham quan Bảo tàng Quân khu 4.
Sau khi nhận được món quà của Bác, ngày 23-9-1967, đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân đã thay mặt cán bộ, chiến sĩ gửi thư cảm ơn tới Bác Hồ. Trong thư bày tỏ niềm xúc động sâu sắc trước tình cảm và sự quan tâm của Bác, đồng thời báo cáo rằng toàn Quân chủng đã thống nhất chuyển số tiền đó cho những đơn vị đang chiến đấu gian khổ hơn để bồi dưỡng sức khỏe. Cũng từ dịp ấy, một phong trào thi đua đặc biệt đã được phát động trong toàn lực lượng, với mục tiêu “đánh giỏi, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái hơn nữa”, thực hiện đúng lời dạy và mong ước của Bác: Đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hội thao ra quân huấn luyện ở Lữ đoàn Phòng không 283, Quân khu 4. Ảnh: VĂN NHẬT
Lữ đoàn Phòng không 283 tham gia diễn tập và Hội thi bắn đạn thật các lực lượng Phòng không lục quân (năm 2021). Ảnh: VĂN NHẬT
Hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến truyền thống Bộ đội Phòng không - Không quân, đặc biệt là lực lượng Phòng không Quân khu 4, các thế hệ cựu chiến binh vẫn không khỏi xúc động. Tấm lòng yêu thương, sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là nguồn sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, tiếp thêm nghị lực để bộ đội vượt qua gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Kỷ vật “Đồng bạc Việt Nam” năm 1958, số đăng ký 974/G.76, nay được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Quân khu 4, mãi mãi là minh chứng thiêng liêng cho tình cảm của Bác Hồ dành cho những người lính can trường trên trận tuyến bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
KIM KHÁNH