Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bữa cơm ngon nhất trên đời

Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bữa cơm ngon nhất trên đời
3 giờ trướcBài gốc
Ông Trần Nguyên Mười và lực lượng cảnh vệ chụp ảnh chung với Bác Hồ năm 1962
Ký ức sâu đậm
18 tuổi, Trần Nguyên Mười (SN 1934, trú xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có mặt trong đội hình Thanh niên xung phong Nghệ An mở đường chiến lược từ Thanh Hóa đi Hòa Bình.
Cuối năm 1953, nhiệm vụ mở đường hoàn thành, đơn vị ông nhận nhiệm vụ chuyển sang An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên), có nhiệm vụ bảo vệ chốt, phụ trách vận tải tại bến phà Cóc - đưa đón cán bộ vào, ra. Tại bến phà bắc qua suối Cóc này, ông Mười lần đầu tiên được gặp Bác Hồ.
“Đó là một đêm cuối năm 1953, đơn vị có nhiệm vụ đưa một chiếc ô tô qua suối. Trời lạnh, nước chảy xiết, anh em hò dô để kéo dây tời, nhanh đưa khách qua bến. Khi xe rời khỏi bến, một đồng chí trong đoàn hỏi “Ai là người phụ trách ở đây?”.
Khi đó, tôi là trung đội trưởng trung đội Thanh niên xung phong nên đáp lời. Đồng chí lại gần, ghé tai tôi, nói nhỏ: “Trên xe là Bác Hồ. Đồng chí lại gặp Bác”. Nghe vậy, tôi vừa hồi hộp, vừa vui sướng. Tiến lại gần, Bác đặt bàn tay lên vai tôi, hỏi thăm sức khỏe anh em làm việc ở bến phà.
Nghe tôi trả lời, Bác nhận ra giọng Nghệ An liền hỏi “Cháu là người quê ta phải không?”. Tôi vội thưa với Bác toàn trung đội đều quê ở Nghệ An. Nghe vậy, Bác rất vui và gửi cả trung đội một hộp kẹo và một cây thuốc lá”, ông Mười kể.
Những tấm huy chương được ông Mười cất giữ cẩn thận
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, đơn vị ông Mười được lệnh rời An toàn khu về Hà Nội. Ông được lựa chọn tham gia đội diễu binh chào mừng giải phóng Thủ đô, đón Bác trở về sau 9 năm kháng chiến.
Ngày 10/10/1954, từ 5 Cửa Ô, trong tiếng nhạc trầm hùng, tiếng reo vui chào đón, cờ hoa rực rỡ, đoàn quân chiến thắng tiến vào nội đô. Đây là lần thứ hai ông Mười tận mắt thấy Bác. Tháng 4/1955, ông Mười được tổ chức tuyển chọn đi học lớp về ngành Công an.
Hoàn thành khóa học, ông nhận quyết định phân công công tác tại Phòng 1, Cục cảnh vệ - Bộ Công an, có nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. “Công tác bảo vệ Bác Hồ hết sức nghiêm ngặt với 3 lớp. Lớp ngoài cùng do quân đội phụ trách, tiếp đến là các trạm gác do Cục cảnh vệ hóa trang, có nhiệm vụ bảo vệ 24/24h, cuối cùng là lực lượng cận vệ của Bác.
Do yêu cầu nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên tham gia bảo vệ Bác là những người được chọn lựa kỹ càng từ nhiều đơn vị, phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe về bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, giỏi võ thuật,... Với những người lính cảnh vệ như chúng tôi, đây là nhiệm vụ, cũng là niềm vinh dự, tự hào”, ông Mười chia sẻ.
“Tháng Năm, dịp sinh nhật Bác, tôi lại thương nhớ Bác, càng thấy rõ trách nhiệm của bản thân đối với việc bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh, để xứng đáng là người lính Cụ Hồ”.
Ông Trần Nguyên Mười
Bữa cơm đặc biệt
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, Trần Nguyên Mười đã hoàn thành chương trình học phổ thông, vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau hơn 2 năm thực hiện nhiệm vụ tại Phòng 1 - Cục cảnh vệ, ông được điều động sang Phòng 3, có trách nhiệm bảo vệ tuyệt đối an toàn cho tân khách (các nguyên thủ nước ngoài) khi đến thăm Việt Nam và các chuyến công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Đây là nhiệm vụ khó khăn bởi các lực lượng phản động, chống phá và tay sai của địch có thể trà trộn khắp nơi. Trong khi đó, Bác Hồ luôn là người gần gũi với nhân dân. Có khi, chúng tôi phải đi trước cả tháng, kiểm tra địa bàn để đảm bảo an toàn tuyệt đối”, người lính cảnh vệ cho hay.
Ông Trần Nguyên Mười hồi tưởng về “bữa cơm đặc biệt” với Bác Hồ
Năm 1965, Trần Nguyên Mười được điều động từ Cục Cảnh vệ - Bộ Công an sang đảm nhiệm nhiệm vụ tại Bộ tư lệnh Quân khu 4. Trong thời gian từ năm 1965 đến cuối năm 1966, ông có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các Chính ủy Quân khu 4.
Giữa năm 1967, Trần Nguyên Mười tháp tùng Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 4 Lê Quang Hòa cùng đoàn đại biểu Quân khu dự Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đây cũng là thời điểm Đại đội 22, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn pháo binh 222 bắn rơi máy bay F8U tại cầu Om, huyện Đô Lương (Nghệ An). Đoàn đại biểu anh hùng, chiến sỹ thi đua của Quân khu 4 vinh dự được gặp Bác Hồ, được Bác mời cơm.
“Tôi và đồng chí tài xế ăn cơm ở ngoài xe thì một đồng chí phục vụ của Bác ra bảo Bác gọi chúng tôi vào ăn cơm cùng. Bữa cơm có cá, đĩa rau muống, trứng gà rán, bát nước tương và cà muối. Bác bảo cá bắt dưới ao, rau muống tự trồng, trứng gà tăng gia, cà muối cũng do anh em trồng trong vườn ở Phủ Chủ tịch, còn tương là đồng bào Nghệ An cho Bác.
Bác hỏi thăm tình hình chiến đấu và cuộc sống của đồng bào Quân khu 4, động viên đồng bào chiến sỹ tiếp tục thi đua lập công để sớm đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược. Suốt bữa, Bác liên tục gắp cho chúng tôi, giục chúng tôi ăn nhưng được ngồi gần Bác, được ăn cơm với Bác, vui quá quên cả ăn”, ông Mười hồi tưởng.
Suốt 10 năm được tham gia bảo vệ Bác Hồ, ấn tượng của ông Mười về vị nguyên thủ là Người giản dị, gần gũi, một lòng vì dân, vì nước. Trải qua nhiều cương vị công tác, năm 1984, Đại úy Trần Nguyên Mười nghỉ hưu.
Trở về quê, ông vẫn tiếp tục đảm nhận nhiều nhiệm vụ tại các tổ chức chính trị ở địa phương. 90 tuổi đời, 60 tuổi Đảng, mái đầu đã bạc trắng, ông vẫn dành một tình yêu và lòng thành kính sâu sắc đối với Bác Hồ.
Ông luôn dạy bảo các con, các cháu phải sống và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Niềm tự hào của ông là các con trưởng thành, tiếp bước ông phục vụ trong ngành quân đội, công an.
“Tháng Năm, dịp sinh nhật Bác, tôi lại thương nhớ Bác, càng thấy rõ trách nhiệm của bản thân đối với việc bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh, để xứng đáng là người lính Cụ Hồ”, ông Trần Nguyên Mười tâm sự.
Thu Hiền
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/ky-niem-135-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-bua-com-ngon-nhat-tren-doi-post1742935.tpo