Bài 1:
Nước Việt Nam là của người Việt Nam,
do dân tộc Việt Nam quyết định
Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao
Đi con đường phải đi, vượt qua mọi giới hạn chật hẹp của những thiên kiến, tựa lưng vào lịch sử mấy nghìn năm dân tộc, Việt Nam cùng nhân loại đi dọc hai thế kỷ XX và XXI, dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, Nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”(1), như Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới Romesh Chandra khẳng định năm 1980.
Kể từ năm 1945, sau 80 năm độc lập dân tộc, sau 50 năm thống nhất Tổ quốc, trên nền tảng 40 năm đổi mới, Việt Nam đang chuẩn bị toàn diện bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình tới hùng cường, trong tầm nhìn tới năm 2045.
Dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, đó là bước phát triển tất yếu của lịch sử, tiếp tục sáng tạo công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và là nhu cầu tự nhiên của dân tộc hợp quy luật vận động của thời đại. Đó là cuộc cách mạng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa Việt Nam thế kỷ XXI. Việt Nam không có độc lập thì không có tự do và càng không có bất cứ sự phồn vinh nào.
Nhìn lại lịch sử nhân loại 5.000 năm qua và nhìn tới, ở khắp mọi thời kỳ, quyền độc lập hoàn toàn, thật sự là quyền tự nhiên, thiêng liêng, vô giá và bất khả xâm phạm của mọi quốc gia dân tộc. Đó là nền tảng để quốc gia tự cường và phát triển, nhịp bước cùng thời đại. Đó là quy luật, là khát vọng cháy bỏng và tiếng gọi thiêng liêng của thời đại đối với tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới trải mấy ngàn năm nay.
Việt Nam không nằm ngoài quy luật phát triển ấy. Ở Hồ Chí Minh và Việt Nam, lấp lánh tư tưởng và hiện thực quy luật ấy. Từ trường kỳ lịch sử của Việt Nam, nền độc lập đất nước luôn luôn và thường trực là điều căn bản và thiêng liêng nhất. Từ lời tuyên ngôn bất diệt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Lý Thường Kiệt) đến lời quả quyết như dao chém đá: “Như nước đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục bắc nam cũng khác/ Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương…” (Nguyễn Trãi)… tới sự khẳng định: “Sông xứ bắc, biển phương đông/ Nếu không dân cũng là không có gì” (Phan Bội Châu)…
Như nguồn trong mạch thẳng phẩm giá dân tộc thiêng liêng đó, là sự di duệ rực rỡ của muôn bậc tiền nhân, Hồ Chí Minh khẳng khái: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(2). Người quả quyết: “Cái mà tôi cần nhất trên đời này là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”.
Và, trước thềm cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Người thề rằng: Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Người lại nhấn mạnh: “Mục đích của ta lúc này là tự do, độc lập... Là bạn của ta trong giai đoạn này tất cả những nước nào, những dân tộc hay lực lượng nào trên thế giới tán thành mục đích ấy, cùng ta chung một ý chí ấy”(3).
Và, năm 1966, Người khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đây cũng là khát vọng của dân tộc Việt Nam suốt cả nghìn năm kết tinh thành ba bản Tuyên ngôn lừng lẫy sau mỗi lần phá bỏ sự rên xiết trong xích xiềng nô lệ ngoại bang, giành lại nền độc lập vô giá.
Hồ Chí Minh không hề úp mở, Người công bố trước quốc dân và toàn thế giới: Lý tưởng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc dưới quốc hiệu của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khi vừa mới thành lập là mưu cầu dân tộc bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu, nhịp bước cùng thời đại.
Khát vọng đó được tạc trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946: “Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại”(4).
Khi bảo vệ nền độc lập vừa giành lại từ tay ngoại bang, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp lần thứ hai (1946 - 1954), Người nguyện thề: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Và, trước sau, Người cùng dân tộc chỉ như một: Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng, quyết không làm nô lệ; chỉ có một chí, quyết không chịu mất nước; chỉ có một mục đích: Độc lập cho Tổ quốc.
Để xây dựng, phát triển và bảo vệ nền độc lập dân tộc vô giá ấy, Người kiên định: Rằng, dân tộc độc lập trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao. Đó chính là chủ quyền quốc gia tự quyết; và, rằng, nước Việt Nam là của người Việt Nam, do dân tộc Việt Nam quyết định. Và, năm 1969, Người viết trong Di chúc: “Còn non còn nước con người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
Sứ mệnh dựng nước - giữ nước thường trực của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Từ Hồ Chí Minh tỏa sáng khí phách, tinh thần lạc quan cách mạng của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng: “Văn phong kỳ lạ rõ ràng là thế! Người ta không thấy có giọng văn này ở cả Stalin, Churchill hay De Gaulle, còn văn Cụ Hồ thì vươn tới tiếng nói của lịch sử”(5).
Đó là hiện thân và sự phát triển vẻ vang tư tưởng độc lập dân tộc và sự kiêu hãnh quốc gia trải mấy nghìn năm của Tổ tiên ta đi qua hai thế kỷ XX và XXI tới tương lai. Đó chính là hiện thân tinh thần độc lập tự do Việt Nam kết tinh và tỏa sáng từ Hồ Chí Minh, bằng Quốc khánh ngày 2/9/1945 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất Tổ quốc.
Dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, như sông chuyển núi dời, 95 năm lịch sử cách mạng, Việt Nam độc lập đã, đang và tiếp tục đi trên con đường xã hội chủ nghĩa tất yếu mà nó phải đi, không gì cản nổi, tuy không nhanh như chúng ta mong đợi và nhịp bước cùng thời đại.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta và 20 triệu đồng bào lại mở nền độc lập sau ngót một trăm năm nô lệ thực dân. Và, hành trình của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế 40 năm kể từ năm 1986, hiện nay, hơn bao giờ hết, đòi hỏi chúng ta về tầm nhìn chiến lược xa rộng và biện chứng; về sự trung thành và sáng tạo trong bảo vệ và thực thi những nguyên tắc; về sự nhạy bén, tỉnh táo, sâu sắc và toàn vẹn trong mỗi quyết sách; về tính nhân văn, linh hoạt và tinh tế trong mỗi bước đi… Mà vấn đề cơ bản nhất, sinh tử nhất xuyên suốt và bao trùm mọi suy nghĩ, hành động là giữ vững vô điều kiện nguyên tắc bất di bất dịch: Toàn thể dân tộc bảo vệ bằng mọi giá nền độc lập của đất nước, sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và lợi ích vô giá của đất nước và hạnh phúc của Nhân dân ta, dù trong bất cứ điều kiện, tình huống nào, dù thăng trầm, sinh tử 80 năm qua.
Từ sức mạnh 40 năm đổi mới, chúng ta nắm lấy ba đột phá, trước hết về thể chế, định vị và phát triển cơ bản nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cấu trúc hệ thống chính trị, cải cách nền hành chính quốc gia gắn với tinh giản bộ máy song hành với thanh lọc đội ngũ cán bộ, công chức, đi thẳng vào công nghệ cao không ngừng đổi mới sáng tạo và số hóa…
Đó là những trọng sự để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới phú cường. Đó là “ngọn lửa thử vàng” về trí tuệ và tầm viễn kiến chính trị; là khát vọng như lửa và bản lĩnh nhân văn; là thước đo lòng yêu nước và thương nòi; là cốt cách kiên trung và hành động sinh tử; là đức gan góc và hy sinh… của Đảng ta, Nhân dân ta.
Đó là lẽ sống, liêm sỉ và danh dự của mỗi người dân Việt. Đó chính là sứ mệnh dựng nước - giữ nước thường trực của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Lịch sử Việt Nam cùng lịch sử thế giới bảo chứng: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu của giải phóng dân tộc. Người đã dẫn dắt triệu triệu người Việt Nam cùng hàng ngàn triệu người nô lệ hơn 100 nước trên thế giới vùng lên giành độc lập tự do, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã làm nên cuộc đảo lộn thế giới chưa từng có từ sau khi chủ nghĩa tư bản lật đổ đế chế La Mã cổ xưa. Người đã vẽ lại bản đồ thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là Danh nhân văn hóa thế kỷ XX”(6).
Đó cũng là tư chất nhân văn cao cả truyền đời làm nên Quốc thể và Quốc khí Việt Nam mà mỗi người Việt Nam tiếp tục góp phần gìn giữ và tỏa sáng, nếu muốn trường tồn cùng giang san xã tắc Việt Nam độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI.
Đó là danh dự đất nước, là cương lĩnh hành động của dân tộc trong kỷ nguyên mới.
----------------------------
(1) Romesh Chandra: “Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại”, Báo Nhân Dân, số ra ngày 21/5/1980. (2) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.55 - 56. (3) Văn kiện Đảng toàn tập (1945 - 1947), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr. 437. (4) Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980 và 1992), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.8. (5) Hồ Chí Minh. Nxb. SOIR, Paris 1967. (6) http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2011/3746/Chu-tich-Ho-Chi-Minh-Anh-hung-giai-phong-dan-toc.aspx
TS. Nhị Lê Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản