Đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi số: Đẩy mạnh số hóa thủ tục hành chính

Đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi số: Đẩy mạnh số hóa thủ tục hành chính
3 giờ trướcBài gốc
Chính quyền thân thiện
Thời gian qua, Hậu Giang đang đẩy mạnh xây dựng hệ thống chính quyền điện tử và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Tỉnh tập trung phát triển các dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ cao, đồng thời khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng nền tảng này để thực hiện các thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Song song đó, địa phương chú trọng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt các bước trung gian, giúp người dân và doanh nghiệp không phải mất quá nhiều thời gian trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, giấy phép kinh doanh, và các giấy tờ hành chính khác. Mô hình "một cửa điện tử" đã được tỉnh triển khai ở nhiều nơi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý và giải quyết hồ sơ.
Một gian hàng giới thiệu các sản phẩm công nghệ trong tuần lễ chuyển đổi số ở Hậu Giang.
Chia sẻ với báo chí về cải cách hành chính, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, là tỉnh trẻ, từ lúc thành lập tỉnh đến nay, tuy có nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, tỉnh luôn luôn xác định nhiệm vụ tăng trưởng các chỉ số cạnh tranh, cải cách hành chính của tỉnh là "nhiệm vụ trọng tâm", là "khâu đột phá" để góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
“Với tinh thần trách nhiệm cao và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị tỉnh, hiệu quả đạt được trong thực hiện các chỉ số của tỉnh qua từng năm hết sức khả quan. Riêng năm 2023, tỉnh được các cơ quan, bộ, ngành trung ương đánh giá tăng cả về điểm số và thứ hạng, cụ thể: PAR INDEX đứng thứ 19 toàn quốc và đứng thứ 2/13 tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh đó, các chỉ số cạnh tranh còn lại của tỉnh đều tăng và có thứ hạng khá, tốt toàn quốc.
Để đạt được những kết quả trên, tỉnh đã thực hiện thêm nhiều nội dung để tháo "nút thắt" về cải cách thủ tục hành chính, với mục tiêu cải cách phải mang giá trị "thực chất", giải pháp là điều chỉnh thể chế theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian giải quyết thủ tục và có chính sách đặc thù để hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Hậu Giang”, Chủ tịch tỉnh Hậu Giang nhìn nhận.
Tương tự, Đồng Tháp đã nổi tiếng với mô hình "chính quyền đồng hành cùng nhân dân", tạo ra sự khác biệt rõ rệt trong cung cách phục vụ người dân và doanh nghiệp đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc xây dựng chính quyền thân thiện. Cụ thể, tỉnh tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân” hàng tháng, nơi lãnh đạo tỉnh trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp. Mô hình này không chỉ giúp chính quyền hiểu rõ hơn về các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang đối mặt mà còn là dịp để chính quyền giới thiệu những chính sách mới, thúc đẩy sự hợp tác công - tư.
Là thạc sĩ công nghệ hóa học của trường Đại học Paris Sorbonne Pháp, ông Ngô Chí Công (SN 1989) vẫn luôn nghĩ rằng sau khi học xong sẽ làm cho một công ty công nghệ nào đó bên trời Âu. Vậy mà hôm nay, ông là Giám đốc Công ty TNHH Eco Lotus Việt Nam có hơn 20 công nhân cơ hữu, 50 cộng tác viên. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sen như túi xách, nón lá, sổ tay đã xuất đi thị trường Nhật, Đức, Thụy Điển, Pháp... và mỗi năm nhận đơn hàng từ Tập đoàn Lotte với số lượng 50.000 chiếc.
Ông Công cũng chính là người đầu tiên tìm kiếm và thành công với giá trị từ lá và cây sen. Hội ngành hàng sen Đồng Tháp nơi ông được bầu làm chủ tịch hiện giờ đã có 135 thành viên.
“Câu chuyện về cú “quay xe” của tôi và nhiều bạn trẻ khác ở Đồng Tháp chính là chỉ dấu về một cuộc cách mạng trên đất sen hồng. Cuộc cách mạng mà ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã biến một vùng đất “khuất nẻo” trở thành địa phương luôn nằm trong tốp đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh, chỉ số hài lòng của doanh nghiệp, người dân với chính quyền”, ông Công chia sẻ.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, người đã biến một vùng đất “khuất nẻo” trở thành địa phương luôn nằm trong tốp đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh, chỉ số hài lòng của doanh nghiệp, người dân với chính quyền.
Theo ông Nghĩa, Đồng Tháp xưa giờ là vùng đất xa xôi, khuất nẻo. Hình ảnh địa phương ít ai biết đến đã đành, tâm lý tự ti của người dân, cán bộ chính quyền cũng còn khá nặng nề. Làm thế nào để tạo sức bật cho quê hương luôn là điều khiến bao thế hệ lãnh đạo rất trăn trở. Cuối cùng chúng tôi chọn thay đổi từ con người, trước tiên là từ chính quyền mệnh lệnh hành chính sang xây dựng chính quyền phục vụ.
“Ban đầu chọn lĩnh vực gần với dân nhất là cải cách hành chính để làm khâu đột phá, lấy sự hài lòng của người dân làm tiêu chí đánh giá cán bộ. Từ tác phong, cách ăn mặc đến quy định mỗi cán bộ là người đứng đầu ở Đồng Tháp ít nhất một tuần phải có một hai buổi xuống với dân. Phải như thế mới tạo được sự gần gũi, thân thiện, mới có thể lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, của doanh nghiệp, hợp tác xã, từ đó cùng nhau bàn cách tháo gỡ, đi lên”, ông Nghĩa lý giải.
Làng thông minh
Làng thông minh là khái niệm mới nổi lên trong các khu vực nông thôn, trong đó có ĐBSCL. Mô hình này kết hợp các công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý tiên tiến và sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao đời sống kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân, với các những ứng dụng công nghệ như: sử dụng các thiết bị IoT (Internet of Things) để giám sát môi trường đất, nước, thời tiết, và sức khỏe cây trồng. Các cảm biến và hệ thống phân tích dữ liệu giúp tối ưu hóa việc sử dụng nước và phân bón, tăng năng suất nông nghiệp.
Các hệ thống quản lý nước thông minh giúp giảm lãng phí và ứng phó với tình trạng ngập lụt hoặc hạn hán. Điều này đặc biệt quan trọng đối với ĐBSCL, một trong những vùng trũng và dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; kết nối internet được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy cập thông tin và dịch vụ công trực tuyến, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp quảng bá sản phẩm qua thương mại điện tử.
Đồng thời, các ngôi làng thông minh có thể kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, thu hút du khách tìm hiểu về văn hóa, truyền thống và nông nghiệp bản địa, đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương; các chương trình giáo dục và đào tạo tập trung vào việc giúp người dân nâng cao hiểu biết về công nghệ và kỹ thuật sản xuất hiện đại, từ đó hỗ trợ họ thích ứng với những thay đổi trong nền kinh tế nông thôn.
Những nỗ lực xây dựng các ngôi làng thông minh tại ĐBSCL không chỉ nhằm nâng cao năng lực kinh tế mà còn góp phần vào việc bảo tồn tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Hoàng Tùng - Giám đốc Hợp tác xã xoài Tân Thuận Tây cho biết, hiện nay bà con trong xã đa phần trồng giống xoài Cát Chu nức tiếng, mỗi một cây đều được gắn mã QR code để truy xuất nguồn gốc. Tân Thuận Tây bây giờ ngoài diện tích gần 500ha xoài với những mô hình độc đáo, bà con còn biết cách trồng xoài rải vụ, xoài VietGAP, hữu cơ… để vừa ứng biến được với thị trường, vừa liên kết sản xuất, nâng cao giá trị.
Theo ông Tùng, bà con nơi đây cũng đã biết làm du lịch cộng đồng để phát huy giá trị tài nguyên bản địa, biết ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tất cả những thành tựu ấy là nhờ mô hình hội quán nông dân, đặc trưng riêng của tỉnh Đồng Tháp, nơi mọi người ngồi lại với nhau chia sẻ hết mọi điều. Cũng chính từ mô hình này, đề án xây dựng làng thông minh đã được các bộ ngành và tỉnh Đồng Tháp lựa chọn xây dựng thí điểm.
Về mô hình này, ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong năm 2024, Đồng Tháp sẽ có 7 địa phương có làng thông minh được đánh giá đạt tiêu chuẩn gồm các xã: Mỹ Đông, Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười); Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh); Định Yên (huyện Lấp Vò); Bình Thạnh, Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) và Tân Nhuận Đông (huyện Châu Thành).
“Đến năm 2025, sẽ có thêm 2 địa phương có làng thông minh được đánh giá đạt yêu cầu gồm các xã Phú Cường (huyện Tam Nông) và An Nhơn (huyện Châu Thành). Mô hình làng thông minh phải đáp ứng đầy đủ về nội dung và chỉ tiêu đạt được theo các tiêu chí của bộ tiêu chí làng thông minh đã được UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành”, Phó Chủ tịch tỉnh thông tin.
Nhìn chung, ngoài Đồng Tháp, các tỉnh, thành ĐBSCL như Bến Tre, An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Tiền Giang… đang dần tiếp cận mô hình làng thông minh, tuy chưa nhiều nơi hoàn toàn chuyển đổi nhưng đã có những bước tiến tích cực, chủ yếu tập trung vào nông nghiệp thông minh và quản lý tài nguyên bền vững. Những nỗ lực xây dựng các ngôi làng thông minh tại ĐBSCL không chỉ nhằm nâng cao năng lực kinh tế mà còn góp phần vào việc bảo tồn tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự hiệu quả, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền, các tổ chức và doanh nghiệp để phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp các nguồn lực cần thiết.
Thái Cường
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/dong-bang-song-cuu-long-chuyen-doi-so-day-manh-so-hoa-thu-tuc-hanh-chinh/20241024115010444