Sức sống mới cho ngành lúa gạo

Sức sống mới cho ngành lúa gạo
2 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Đến nay, 4/7 mô hình thí điểm vụ Hè - Thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực, tạo sự khích lệ rất lớn đối với nông dân và doanh nghiệp. Cụ thể, giảm chi phí 20-30% (giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân bón đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới); tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 3-5 tấn CO2 tương đương trên một ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg thóc...
Thực tế, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành đã rất nỗ lực cùng 12 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long triển khai thực hiện Đề án và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2024/NĐ-CP, quy định về vùng quy hoạch, chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung Nghị định về chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; xây dựng Nghị định về cơ giới hóa trong nông nghiệp; Đề án thành lập, phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; xây dựng thêm các dự án ODA nhằm bổ sung nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện Đề án.
Các chuyên gia đánh giá, việc phê duyệt và triển khai Đề án đã góp phần khẳng định: Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, đã chủ động, tích cực triển khai các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn. Đây cũng là đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất một triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp Chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Bởi nhận thức về canh tác lúa năng suất cao, phát thải thấp của người trồng lúa, doanh nghiệp, một số cấp chính quyền chưa đầy đủ. Cùng với đó là những vấn đề liên quan quy hoạch, xác định cụ thể diện tích đất trồng lúa năng suất, chất lượng cao, huy động nguồn lực...
Để đạt mục tiêu đến năm 2030 một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp càng sớm càng tốt, qua đó đạt khoảng 14 - 15 triệu tấn lúa, 9 - 10 triệu tấn gạo chất lượng cao, chuyên gia quốc tế khuyến nghị, phải thổi sức sống mới cho ngành lúa gạo bằng công nghệ số, phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động đa dạng hóa nguồn lực, gồm nguồn lực Trung ương, địa phương, hợp tác công tư, nguồn vốn vay, phát hành trái phiếu, nguồn vốn xã hội hóa, nguồn lực của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp, thủ tục tục rườm rà, bảo đảm nguồn lực đến tận địa phương, cơ sơ sản xuất, người nông dân.
Thanh Thảo
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/suc-song-moi-cho-nganh-lua-gao-post482615.html