Hậu Giang: Tìm giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo

Hậu Giang: Tìm giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo
3 giờ trướcBài gốc
Hội thảo nhằm mục đích cùng các Hiệp hội, các chuyên gia, doanh nghiệp, ngành nông nghiệp các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, HTX và bà con nông dân để cùng thảo luận, nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách; từ đó giúp tỉnh Hậu Giang có định hướng chỉ đạo thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao trong vụ đông xuân 2024 - 2025 và những mùa vụ tiếp theo.
Tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ mang đến nhiều tiện ích cho nhà nông
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết: Hậu Giang đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ triển khai diện tích thực hiện Đề án là 28.000 ha, tập trung vào củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT); đến năm 2030 sẽ tăng lên đạt diện tích 46.000 ha, thực hiện tại 6/8 đơn vị cấp huyện.
Nhiều tổ chức quốc tế đã tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về quản lý, tái sử dụng phụ phẩm rơm rạ. Ảnh: LHV
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã hoàn thành việc triển khai lựa chọn, xác định các vùng tham gia Đề án, rà soát đáp ứng tiêu chí và phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, trong năm 2024, tỉnh cũng đã và đang triển khai thực hiện các mô hình điểm cấp tỉnh, huyện với tổng diện tích 180 ha, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: tưới nước ướt khô xen kẽ, 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP, ... Mặc dù, chỉ mới được triển khai thí điểm tại một số HTX trên địa bàn tỉnh, nhưng bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Các mô hình giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho bà con, người tiêu dùng và môi trường. Đồng thời, từ nguồn kinh phí tài trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức - dự án GIC, tỉnh cũng tổ chức 25 lớp tập huấn cho nông dân về quản lý, tái sử dụng phụ phẩm rơm rạ; 15 lớp huấn luyện nông dân HTX về kinh doanh (FBS) và 15 lớp nâng cao năng lực cho HTX tham gia Đề án 1 triệu ha.
Tuy vậy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cũng nêu thực tế: tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, như các tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Những yếu tố này gây ra sự suy giảm diện tích và năng suất canh tác, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao; diện tích đất nông nghiệp ở nhiều nơi còn là vùng phèn, trũng nên gặp khó khăn trong việc áp dụng triệt để quy trình ngập khô xen kẽ.
Người nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã có điều kiện lao động và đời sống tốt hơn. Ảnh: LHV
Về cơ sở hạ tầng, hệ thống đê bao thủy lợi và máy móc thiết bị để phục vụ vùng sản xuất lúa tham gia Đề án vẫn còn hạn chế; Việc kêu gọi doanh nghiệp vào liên kết chặt chẽ, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ qua các vụ vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc đo đếm phát thải, chi trả tín chỉ cacbon nên cũng chưa thật sự thuyết phục nhà nông tham gia từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo phát thải thấp và tăng trưởng xanh. Việc thay đổi thói quen canh tác truyền thống, đặc biệt là việc hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch, vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao từ phía người nông dân. Thiếu sự hướng dẫn chi tiết và các chính sách hỗ trợ kịp thời cũng là một trở ngại lớn trong việc thực hiện các mô hình sản xuất bền vững.
Vai trò của Doanh nghiệp trong tham gia Đề án chưa được quy định cụ thể, kể cả các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, doanh nghiệp bao tiêu lúa gạo, doanh nghiệp về tín chỉ cacbon….
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận về “Tình hình thực hiện 7 mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha và những vấn đề đặt ra trong việc sử dụng phân bón cho lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long”; báo cáo về “Một số kết quả đo đạc tại các mô hình và định hướng triển khai hoạt động đo đạc báo cáo và xác nhận” từ kết quả đó ta có thể định hướng việc xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp và công tác MRV của tỉnh trong thời gian tới; báo cáo tham luận về “Biện pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính” đã cung cấp những thông tin hữu ích mang tính khoa học để triển khai thực hiện các mô hình Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao; báo cáo tham luận về: “Phát triển liên kết bền vững chuỗi giá trị lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long” đã giúp đánh giá thực trạng liên kết chuỗi giá trị lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long xác định những khó khăn, thách thức từ đó đề ra những định hướng giải pháp nhằm cải thiện liên kết chuỗi lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Qua hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra các thực trạng, thuận lợi, khó khăn thách thức trong chuỗi giá trị lúa gạo và mối liên kết của 4 nhà (nhà nông dân - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước) về vấn đề “Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao” và đề xuất các giải pháp thúc đẩy đề án đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Vũ Châu
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/hau-giang-tim-giai-phap-thuc-day-lien-ket-chuoi-gia-tri-lua-gao-post394314.html