Người dân tộc Kháng có nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó có các làn điệu múa hát cổ, trang phục truyền thống, ẩm thực trong các dịp lễ, Tết, đặc biệt là điệu múa Tăng bu.
Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Kháng thể hiện qua trang phục truyền thống, nhất là trang phục của người phụ nữ. Phụ nữ dân tộc Kháng mặc trang phục gần giống váy áo cóm của người dân tộc Thái đen. Tuy nhiên, điểm xuyết trên chiếc áo là những hoa văn, họa tiết mang bản sắc riêng của dân tộc Kháng cổ.
Người Kháng ở nhà sàn. Nhà thường có 3 gian 2 chái, mái kiểu mu rùa và hai cửa ở hai đầu nhà, 2 cửa sổ ở hai vách bên. Mỗi nhà có hai bếp lửa (một bếp để nấu ăn hàng ngày, còn một bếp để sưởi và để nấu đồ cúng khi bố mẹ chết).
Tục cưới xin của người Kháng lần lượt trải qua các lễ thức, như: dạm hỏi, xin ở rể, cưới. Lễ cưới lần đầu được tổ chức cho chàng trai đi ở rể. Lễ cưới lần hai, đưa dâu về nhà chồng để gây dựng gia đình riêng. Người cậu có vai trò đặc biệt trong việc dựng vợ gả chồng cho cháu.
Theo phong tục người Kháng, người chết được chôn cất chu đáo, trên mộ có nhà mồ, có các đồ vật dành cho người chết: Hòm đựng quần áo, giỏ cơm, ống hút rượu, bát, đũa… phía đầu mộ chôn một cột cao 4-5 mét, trên đỉnh có con chim gỗ và treo chiếc áo của vợ hay chồng người chết.
Điệu múa Tăng bu của dân tộc Kháng ở xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai).
Câu lạc bộ dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Kháng xã Chiềng Ơn thể hiện điệu múa “Tăng bu”.
Lễ hội rượu cần của dân tộc Kháng được phục dựng, tái hiện tại Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Quỳnh Nhai.
Lễ hội rượu cần dân tộc Kháng.