Đời sống, sản xuất của người Khơ Mú chủ yếu làm nương, với cây trồng chính là lúa, ngô, khoai, sắn; chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra còn phát triển nghề đan lát; chế tác các loại nhạc cụ: đàn tre, trống, nhị, chiêng, đàn…
Họ có điệu hát Tơm truyền thống với nhiều làn điệu: Tơm đón khách, Tơm giao duyên, Tơm mừng nhà mới, Tơm trong đám cưới… Ngoài ra, có nhiều điệu múa truyền thống, trong đó phải kể đến điệu Vêlr guông (lắc hông) với những động tác mềm dẻo nhưng dứt khoát, khỏe khoắn.
Văn hóa tín ngưỡng của người Khơ Mú: Thờ cúng tổ tiên hai đời, bố mẹ và ông bà. Biểu trưng cho nơi thờ tổ tiên là một chiếc xương hàm lợn, ít trầu đựng trên nắp giỏ cơm, ống tre đựng nước. Cúng vào các dịp cơm mới, đám cưới, nhà mới. Việc thờ cúng tổ tiên, tùy nơi, có thể chỉ do anh cả, cũng có thể do các anh em trai cùng đảm nhiệm. Bố mẹ vợ được thờ riêng ở một chiếc lán nhỏ, bên cạnh nhà, cơm nước cúng được nấu ở ngoài nhà. Lễ cúng bản hàng năm rất được coi trọng.
Người Khơ Mú vẫn gìn giữ các nghi lễ vòng đời: Sinh ra, đặt tên; cưới xin, tang ma, có nhiều nghi lễ quanh năm: Đầu năm có lễ cúng bản; sau Lễ cúng bản, các gia đình về làm Lễ cúng tổ tiên xin gieo hạt; sau khi cúng xin tổ tiên, mỗi gia đình lên nương cúng hồn mẹ lúa, cầu mong được mùa; cúng cầu mưa. Đến tháng 8-9, các gia đình lại tổ chức nghi lễ mừng cơm mới, cám ơn ông bà ban cho mùa màng tươi tốt, con cháu hội tụ. Cuối năm, nhà nhà tổ chức Tết Khơ Mú, tiễn năm cũ, đón năm mới.
Trang phục của đồng bào Khơ Mú ở bản Nậm Pù, xã Huổi Một, huyện Sông Mã.
Chiêng khỉ thường được đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Thàn, xã Chiềng Pằn (Yên Châu) sử dụng đệm, giữ nhịp cho các tiết mục hát, múa văn nghệ.
Điệu múa Vêlr Guông của dân tộc Khơ Mú.
Trang phục nam, nữ của đồng bào dân tộc Khơ Mú bản Huổi Ỏi, xã Mường Hung, huyện Sông Mã.
Nghề dệt túi thổ cẩm của đồng bào dân tộc Khơ Mú.
Truyền dạy việc mặc trang phục dân tộc Khơ Mú cho thế hệ trẻ.
Đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Phiêng Trai, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn truyền dạy cho con cháu nghề đan lát.