Thượng Đế Cổ Miếu, niềm tin của đồng bào Hoa ở phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu vừa được khánh thành vào đầu tháng 3 âm lịch năm nay, đã thu hút hàng ngàn bà con người Hoa từ khắp vùng Nam Bộ hội tụ về. Sau gần 2 năm thi công với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng từ sự chung tay góp sức của cộng đồng người Hoa trong và ngoài nước, công trình tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi, toát lên vẻ uy nghiêm, khang trang, ít nơi nào sánh được.
Toàn cảnh Thượng Đế Cổ Miếu - công trình tín ngưỡng tiêu biểu của cộng đồng người Hoa tại Vĩnh Châu.
Ngay từ cổng tam quan, Thượng Đế Cổ Miếu gây ấn tượng mạnh với lối kiến trúc nguy nga, bề thế, nổi bật với những cụm đá nguyên khối được chạm trổ công phu, thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Bước qua cổng tam quan như mở ra một không gian thiêng liêng, các hạng mục đều mang đậm phong cách kiến trúc người Hoa. Theo lời kể của các vị trong ban quản trị, ngôi miếu được dựng lên từ những người Hoa đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Ban đầu chỉ là những bức tường vôi mộc mạc, qua nhiều lần tu sửa, đến năm 2023, ngôi miếu chính thức được trùng tu toàn diện, trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Hoa nơi đây.
Ông Trần Văn Húa - Phó Ban Quản trị Thượng Đế Cổ Miếu chia sẻ: “Thượng Đế Cổ Miếu là nơi gửi gắm niềm tin và đời sống tâm linh của bà con người Hoa. Tuy nhiên, sau thời gian dài, miếu đã xuống cấp nặng. Nhờ sự đóng góp, chung tay của các mạnh thường quân, cô bác, anh chị khắp nơi, chúng tôi mới có điều kiện trùng tu lại. Bà con trong vùng ai cũng vui mừng, phấn khởi. Với những người đã lớn tuổi như chúng tôi, khi hoàn thành nhiệm kỳ, chỉ mong thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ, hương khói quanh năm để ngôi miếu mãi là chốn linh thiêng của cộng đồng”.
Bên trong chính điện, tượng Huyền Thiên Thượng Đế được đặt trang trọng với tượng rùa và rắn dưới chân - biểu tượng của Thủy Quỷ và Hỏa Quỷ đã được cảm hóa, điều này truyền tải thông điệp sâu sắc về sự chế ngự điều dữ, hướng con người đến cái thiện. Hai bên là khám thờ Bà Thiên Hậu, Quan Thánh Đế Quân và Bổn Đầu Công, những vị thần linh thiêng gắn liền với đời sống tâm linh người Hoa qua bao thế hệ. Các bức hoành phi, bích họa, họa tiết trên các khám thờ được sơn son thếp vàng, các nhân vật được vẽ bằng tranh sơn dầu tinh xảo, độc đáo, tất cả phối hợp với nhau một cách hài hòa.
Ngoài ra, các ngày lễ lớn trong năm được ban quản trị tổ chức trang trọng, thu hút đông đảo bà con người Hoa và du khách thập phương đến chiêm bái, cầu an. Ông Trần Văn Húa cho biết thêm: “Mỗi năm, miếu tổ chức bốn lễ cúng lớn, trong đó, lễ tổng kết cuối năm là lễ quan trọng và quy mô nhất. Bên cạnh đó còn có lễ vía vào mùng 3/3 - ngày sinh Đức Phật Tổ và lễ rằm tháng Bảy. Đây là những dịp đặc biệt để bà con cùng nhau sum họp, thắp nén hương, cầu cho quốc thái dân an, gia đạo bình an”.
Không chỉ dừng lại ở công trình kiến trúc, điều làm nên sức sống bền vững của văn hóa người Hoa tại Vĩnh Phước - Vĩnh Châu chính là sự hòa quyện giữa tín ngưỡng và ứng xử thường nhật. Người Hoa nơi đây luôn gìn giữ phong tục, và đặc biệt là cách giáo dục con cháu giữ gìn tiếng nói dân tộc trong gia đình. Ông Quách Văn Minh - thành viên Ban Quản trị Thượng Đế Cổ Miếu chia sẻ: “Người Hoa ở Vĩnh Châu vẫn luôn duy trì việc học chữ và nói tiếng Triều Châu. Con cháu đi học ở trường thì học theo chương trình phổ thông, nhưng khi về nhà là phải nói tiếng Tiều (Triều Châu). Đó là cách chúng tôi giữ gìn bản sắc, để thế hệ sau không quên gốc gác của mình, không đánh mất tiếng nói của đồng bào mình”.
Bên cạnh đời sống tín ngưỡng, cộng đồng người Hoa ở phường Vĩnh Phước còn phát triển kinh tế từ các nghề truyền thống như trồng nhãn, nuôi tôm, cá nước mặn, làm muối và nuôi artemia. Ngoài ra có nhiều hộ kinh doanh rất phát đạt. Không ít người Hoa nơi đây vừa làm ăn giỏi, vừa có uy tín trong xã hội, và họ cũng là những người luôn tiên phong trong các hoạt động thiện nguyện, đóng góp xây dựng công trình tín ngưỡng, hỗ trợ người nghèo, học sinh khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước Vương Hồ Vũ cho biết: “Cộng đồng người Hoa sinh sống trên địa bàn chiếm dân số khoảng 20%. Bà con ở đây chấp hành rất tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trong các phong trào thi đua sản xuất, tương trợ lẫn nhau đối với những hộ nghèo và hộ cận nghèo, khó khăn. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước cũng có sự quan tâm hỗ trợ đối với cộng đồng người Hoa trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếng nói và chữ viết cho con người Hoa, hầu như tất cả con em người Hoa đến tuổi đi học đều được học tiếng Hoa trên địa bàn”.
Cộng đồng người Hoa không chỉ góp phần làm giàu đẹp thêm vùng đất Vĩnh Châu, mà còn góp phần tạo nên một bản sắc văn hóa giao thoa độc đáo, nơi các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa cùng sinh sống, cùng gìn giữ và cùng phát triển. Trong nhịp sống hiện đại, công trình như Thượng Đế Cổ Miếu không chỉ là di sản tâm linh mà còn là biểu tượng của ý chí bảo tồn văn hóa của cộng đồng người Hoa ở thị xã Vĩnh Châu.
NGỌC LAM