Với sự hỗ trợ của Trung ương, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, góp phần thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của bà con.
Đến nay, 100% xã vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã có đường ô tô, điện chiếu sáng, nước sạch sinh hoạt.
Những năm qua, tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp diện mạo vùng quê trở nên khởi sắc, giao thương thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông.
Giao thông thuận lợi
Điển hình là xã Vĩnh Mỹ B có 3.552 hộ, với 15.142 khẩu; có 5 dân tộc sống đan xen nhau, gồm: Kinh, Hoa, Khmer, Tày, Nùng; trong đó, dân tộc Khmer có 259 hộ, có 1.154 khẩu, chiếm 7,3% dân số toàn xã.
Nhờ vào sự đồng lòng của Đảng ủy, UBND, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong xã, năm 2018, xã Vĩnh Mỹ B được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao vào năm 2021.
Bằng sự tiên phong, gương mẫu và uy tín, thời gian qua, ông Kim Út, (nông dân tiêu biểu người Khmer ở xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) đã vận động người dân, đồng bào dân tộc Khmer chung tay hỗ trợ giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế.
Cùng với đó là tự nguyện đóng góp ngày công lao động trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới như: kêu gọi hỗ trợ xây dựng thêm 7 cây cầu bê tông cốt thép và 4 đường bê tông của ấp.
"Hơn 10 năm trước, đường sá đi lại khó khăn, không có đường ô tô, giao thương không được thông suốt, thương lái ép giá nông sản. Khi tỉnh triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới người dân trong xã, trong đó có bà con dân tộc thiểu số đều đồng lòng ủng hộ.
Người góp sức, người hiến đất làm đường, đến nay, nhiều tuyến đường đã bê tông hóa ấp liền ấp, xã liền xã, đời sống người dân ở phum sóc cũng thay đổi hẳn", ông Út phấn khởi nói.
Bên cạnh đó, ông Út còn tuyên truyền vận động nhân dân trong ấp xóa bỏ tập tục lạc hậu, để xây dựng đời sống văn hóa mới. Vận động và giúp đỡ người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình.
Còn ông Danh Văn Thoại (61 tuổi, là người dân tộc Khmer, hiện trú ở ấp Long Đức, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu), chia sẻ, cách nay hơn 10 năm, khi thấy các em học sinh trong ấp đi học bị sụp ổ gà, mình mẩy trầy xước, lấm lem bùn đất.
Từ đó, ông Thoại đã trích khoảng 200.000 đồng/ tháng từ lương thương binh của mình (khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng) để mua vật liệu xây dựng vá đường, mua hoa kiểng trồng cho bà con. Việc làm này vẫn được ông Thoại duy trì cho đến bây giờ.
Những người trong xóm, hễ ai kêu chặt cỏ, trồng hoa kiểng, vá đường… ông Thoại đều sẵn sàng làm mà không nghĩ ngợi gì. Thậm chí, ai nghèo quá ông còn lấy gạo của gia đình để giúp đỡ họ.
"Những năm qua, tôi đã đứng ra vận động người dân hiến đất làm đường, xây dựng tuyến lộ giao thông nông thôn dài hơn 1,5km, chiều ngang 2m; trồng hoa kiểng tuyến đường dài 2km; phát hoang hai bên đường; xây dựng 60 hố xử lý rác gia đình…", ông Thoại chia sẻ.
Cũng theo ông Thoại, với ý thức trách nhiệm, ông luôn cùng với địa phương thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền đồng bào dân tộc Khmer thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia thực hiện tốt các phong trào của địa phương.
Nhiều con đường liên xã đã được bê tông hóa, giúp cho người dân đi lại dễ dàng.
Chăm lo phát triển hạ tầng
Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Mỹ B, ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã luôn tập trung tăng cường công tác chỉ đạo xây dựng ưu tiên ở các ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer.
Nhất là ưu tiên kết hợp giữa công tác vận động tuyên truyền xây dựng nông thôn mới với việc phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nhất là người có uy tín, chức sắc, chức việc, nông dân tiêu biểu...
"Từ đó công tác vận động xây dựng nông thôn mới đã được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức thực hiện, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao luôn được đồng bào dân tộc Khmer đồng thuận và tham gia thực hiện", lãnh đạo xã Vĩnh Mỹ B thông thêm.
Thời gian qua, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào phật tử trên địa bàn tỉnh đoàn kết, thực hiện các cuộc vận động do chính quyền đề ra, đặc biệt là trong phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới và công tác từ thiện, an sinh xã hội.
Riêng, trong năm 2023 Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu đã vận động hỗ trợ trên 2,3 tỷ đồng phát quà và hỗ trợ kinh phí học tập cho đồng bào dân tộc Khmer.
Ngoài ra, được tỉnh quan tâm, hỗ trợ giải quyết kinh phí cho người trực tiếp giảng dạy tiếng và chữ Khmer tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer dịp hè năm 2023 và năm 2024 được 138 lớp, với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của người dân tộc Khmer.
Bên cạnh đó, Hội luôn chú trọng kết hợp vận động đồng bào nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như phát triển kinh tế gia đình và giữ gìn sự bình yên ở mỗi phum sóc.
Gia Minh