Một góc làng Mông, xã Rô Men hôm nay
Đam Rông là huyện có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm gần 65% dân số, chủ yếu là người K’Ho, M’Nông, Mạ, H’Mông, Dao, Tày… Những năm trước đây, do điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân còn nhiều thiếu thốn, trình độ dân trí và trình độ canh tác lạc hậu, nên điều kiện phát triển kinh tế của đồng bào DTTS có những khó khăn nhất định. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án đầu tư và cùng sự nỗ lực của Nhân dân các dân tộc huyện nhà nói chung và người DTTS nói riêng nên kinh tế của người dân từng bước phát triển. Đến nay, vùng đồng bào DTTS đã có sự thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của bà con không ngừng được cải thiện, ổn định và nâng cao.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Ỳup Krơla Krang người M’Nông ở Thôn 2, xã Rô Men, là một trong những hộ đồng bào DTTS có điều kiện kinh tế khá giả của xã. Tuy kinh tế gia đình đã ổn định, nhưng ông Ỳup Krơla Krang vẫn nhớ mãi về những năm tháng khó khăn, vất vả để từng bước gây dựng cuộc sống gia đình. Lấy vợ với vốn liếng ban đầu của đôi vợ chồng chẳng có gì ngoài sự cần cù, chịu khó và sự hăng say, đồng cam cộng khổ. Với ý chí quyết tâm không cam chịu với hoàn cảnh đói nghèo, lạc hậu, gia đình ông đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, miệt mài lao động sản xuất để từng bước tạo lập kinh tế gia đình ổn định. “Trước giải phóng, tôi sống ở Đạ M’rông. Năm 1984, tôi cùng vợ con chuyển về xã Rô Men. Trong phát triển kinh tế, gia đình tôi nhiều lần vay vốn ngân hàng để đầu tư thâm canh cây trồng, sau khi chia đất cho 9 người con, mỗi con từ 0,7 ha - 1 ha, hiện vợ chồng tôi còn lại 5 ha cà phê, ngoài cà phê tôi còn xen canh trên 100 cây sầu riêng. Đến nay, đời sống gia đình tôi và các con đều ổn định, vợ chồng tôi đã làm ngôi nhà mới trị giá trên 1,1 tỷ đồng, mua sắm đầy đủ máy cày, máy kéo để phục vụ sản xuất”, ông Ỳup Krơla Krang phấn khởi.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương cộng với sự nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế của người dân, nhất là đồng bào DTTS, nên bộ mặt nông thôn ở các xã vùng khó khăn của huyện nhiều khởi sắc, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã có những đổi thay đáng mừng. Nếu như nhiều năm trước đây, việc sản xuất của bà con còn lạc hậu, chủ yếu dựa vào “nước trời”, thời tiết thì hiện nay bà con đã chủ động trong việc tưới tiêu và trình độ sản xuất của bà con đã từng bước được nâng lên.
Minh chứng về sự thay đổi tư duy trong lao động sản xuất, anh K’Nhất người K’Ho, Trưởng thôn Pang Sim, xã Phi Liêng bày tỏ, những năm gần đây, bà con DTTS luôn quan tâm việc thâm canh phát triển sản xuất, biết tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; phát triển mô hình trồng xen mắc ca, sầu riêng; chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả để trồng dâu, nuôi tằm; nhiều hộ đồng bào DTTS đã tích cực tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Thực tế cho thấy, cùng với việc trồng lúa cao sản, người dân luôn chú trọng việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là ở khâu chọn giống, trồng, chăm sóc cây cà phê và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để từng bước nâng cao thu nhập. Nhờ đó đời sống của nhiều hộ đồng bào DTTS đã được cải thiện đáng kể. Cái đói, cái nghèo dần đẩy lùi vào quá khứ, đặc biệt vài năm gần đây, khi giá cả các mặt hàng nông sản ổn định ở mức cao, đã có không ít hộ đồng bào DTTS thu nhập từ 500 triệu đồng đến cả tỷ đồng/năm, thậm chí có hộ thu từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm nguồn thu từ cà phê, sầu riêng… và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Đến làng Mông xã Rô Men và Tiểu khu 179 thuộc xã Liêng S'rônh, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của bà con người dân tộc H’Mông nơi đây. "Sau khi vào đây, chúng tôi đã vận động bà con tích cực làm ăn, phát triển kinh tế canh tác lúa nương, trồng mỳ rồi trồng cây cà phê; chịu khó học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, người dân tộc H’Mông đã trải qua những tháng ngày gian khó, đời sống của bà con đã khá hơn trước, nhiều người đã xây dựng nhà cửa có trị giá từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng, mua sắm các vật dụng đắt tiền và phương tiện đi lại để phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của gia đình", ông Giàng Seo Pao - Trưởng Ban công tác Mặt trận làng Mông, xã Rô Men nói.
Kinh tế phát triển, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS đã giảm đáng kể. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đam Rông giảm còn 2,77%, giảm 70,42% so với năm 2005. Để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương và cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS, huyện Đam Rông tiếp tục khai thác có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời quan tâm tạo điều kiện và vận động người dân phát huy tính cần cù, nỗ lực vươn lên làm ăn, phát triển sản xuất để có cuộc sống được sung túc hơn.
NDONG B'RỪM