Huyện Lộc Ninh không chỉ nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào dân tộc Stiêng, M’nông và Khmer. Nông nghiệp vẫn là một phần quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây.
Thay đổi tư duy
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều người dân tộc thiểu số ở Lộc Ninh đã mạnh dạn tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc sản xuất nông nghiệp.
Việc sử dụng các ứng dụng di động, các phần mềm quản lý sản xuất giúp họ quản lý lịch trình trồng trọt, kiểm soát sâu bệnh và thậm chí tối ưu hóa năng suất cây trồng. Các hội nhóm trên mạng xã hội cũng trở thành nơi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm sản xuất giữa những nông dân cùng ngành nghề.
Điển hình, với cây điều, người dân có thể theo dõi thông tin về thời tiết, cách phòng chống sâu bệnh, hoặc kết nối với các chuyên gia nông nghiệp trực tuyến để được tư vấn kỹ thuật. Điều này không chỉ giúp người dân tiết kiệm thời gian mà còn giảm thiểu được rủi ro trong sản xuất.
Tiếp cận khoa học kỹ thuật giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi ở Lộc Ninh nâng cao năng suất.
Đặc biệt, sự bùng nổ của thương mại điện tử đã tạo ra cơ hội vàng cho người dân Lộc Ninh, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số, trong việc bán sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ, và đặc sản địa phương ra thị trường rộng lớn hơn.
Nhiều bà con đã bắt đầu bán sản phẩm của mình trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Facebook Marketplace, Zalo Shop.
Việc ứng dụng số hóa giúp sản phẩm của người dân Lộc Ninh không chỉ dừng lại ở thị trường nội tỉnh mà còn có cơ hội tiếp cận với khách hàng ở khắp các tỉnh thành và thậm chí quốc tế. Các sản phẩm như hạt điều, mật ong rừng, gạo, thảo dược, và các sản phẩm dệt may thủ công đã được người dân quảng bá và tiêu thụ trực tuyến một cách hiệu quả.
Chị Hoàng Thị Lan, một người dân tộc Stiêng ở xã Lộc An, chia sẻ: “Trước kia, tôi chỉ bán hàng trong khu vực làng xóm, nhưng sau khi biết cách đăng sản phẩm lên Facebook và Shopee, tôi đã có khách hàng ở nhiều nơi. Việc này giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định và cải thiện đời sống”.
HTX trở thành đầu tàu
Có thể nói, việc đưa công nghệ vào đời sống, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đã và đang giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở Lộc Ninh xóa bỏ những rào cản trong việc hội nhập vào nền kinh tế hiện đại, từ đó thoát nghèo, làm giàu.
Tuy nhiên, để đạt được sự bền vững, bên cạnh việc duy trì và phát triển các ứng dụng công nghệ, nâng cao kiến thức và kỹ năng sản xuất, kinh doanh, nhiều nông dân ở Lộc Ninh đang bắt tay liên kết hình thành các HTX nhằm gia tăng nội lực, sức cạnh tranh.
Điển hình, ở xã Lộc An, vùng biên giới với đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44% dân số, đang hình thành những HTX, tổ hợp tác hoạt động vô cùng hiệu quả, như HTX trang trại chăn nuôi Lộc An. HTX được thành lập từ Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gia súc do các thành viên tự nguyện và hợp tác tương trợ lẫn nhau nhằm tổ chức liên kết sản xuất chăn nuôi.
Các thành viên HTX này chủ yếu là các hộ chăn nuôi dê, bò và heo với tổng đàn trên 1.500 con. Hiện nay, HTX đã có sản phẩm thịt và con giống chủ lực bò, dê, heo được mở rộng ra thị trường trong và ngoài nước.
Sự đồng hành của các HTX, tổ hợp tác giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Lộc Ninh nâng cao thu nhập.
Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, đang giúp HTX hợp tác thành công với các đối tác nước ngoài, dần mở rộng hơn về lĩnh vực chuồng trại, chăm sóc, tiêu thụ và xuất nhập khẩu các sản phẩm sạch.
Ông Lưu Văn Bình, Giám đốc HTX trang trại chăn nuôi Lộc An cho biết: “Khi thành lập HTX, bước vào môi trường chuyên nghiệp hơn, chúng tôi càng nỗ lực phấn đấu để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như khẳng định chỗ đứng của mình. Với sự chung sức, đồng lòng của mỗi thành viên, tin rằng HTX ngày càng quy mô, hoạt động hiệu quả hơn”.
Ngoài ra, trong xã Lộc An còn có HTX nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Lộc An được thành lập cách đây 3 năm với sự tham gia của 25 thành viên chuyên canh về các loại cây trồng như: Sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh trên tổng diện tích hơn 71 ha. Hiện nay, HTX đã liên kết với doanh nghiệp xuất - nhập khẩu ở tỉnh Bình Dương tổ chức thu mua sản phẩm của các thành viên.
Bên cạnh sự hỗ trợ của địa phương, để phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong hỗ trợ người dân, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bình Phước đã thực hiện nhiều chương trình đồng hành thiết thực.
Cần thêm các chính sách hỗ trợ
Tương tự ở Lộc An, xã miền núi Lộc Tấn với hơn 2.700 hộ dân sinh sống, trong đó khoảng 40% số người là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua cũng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội nhờ sự hình thành của các HTX, tổ hợp tác và quá trình ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, thương mại điện tử.
Tiếp tục thực hiện chương trình quốc gia giảm nghèo và lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số, xã đã phối hợp các đơn vị làm tốt công tác trợ cấp, các chương trình hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo và người có công với cách mạng; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phấn đấu mỗi năm tạo việc làm cho 380 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo ít nhất 60%, vận động xây dựng từ 1 đến 2 căn nhà cho hộ khó khăn về nhà ở.
Bên cạnh sự hỗ trợ của địa phương, để phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong hỗ trợ người dân, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bình Phước đã thực hiện nhiều chương trình đồng hành thiết thực.
Điền hình, vào cuối năm 2024, Liên minh HTX tỉnh Bình Phước đã tổ chức tư vấn và hỗ trợ thành lập một HTX mới cho 17 sáng lập viên tại Hội trường UBND xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Phước và Liên minh HTX Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Lộc Ninh. Chương trình nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của các HTX thông qua việc hỗ trợ về chính sách, đào tạo và nguồn lực.
Những chương trình và hoạt động trên của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bình Phước đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện đời sống của người dân tại huyện Lộc Ninh.
Có thể nói, các HTX với khả năng phát huy tốt tính liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, cũng như khai thác hiệu quả các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh ở địa phương, sẽ góp phần giúp huyện Lộc Ninh thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới.
An Chi