Trước khi cung cấp internet đến người dùng, các nhà mạng hiện nay buộc phải triển khai các giải pháp bảo mật an toàn thông tin. Theo Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, đây là biện pháp bảo vệ người dân ở mức cơ bản nhất.
Anh Trịnh Quang Khải - Phường Dịch Vọng - Quận Cầu Giấy chia sẻ: “Khá là thuận tiện khi sử dụng dịch vụ, quản lý được kết nối của các thiết bị điện tử. Tôi cũng yên tâm hơn trong việc giám sát các con sử dụng internet".
Giải pháp bảo vệ dữ liệu từ đầu nguồn đang là xu hướng được nhiều quốc gia áp dụng. Đặc biệt trong giai đoạn tội phạm mạng tiến hóa với tốc độ chóng mặt, lợi dụng công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo các cuộc tấn công mã độc nguy hiểm.
Theo các chuyên gia, nếu thiết lập được lớp bảo vệ mạng ngay từ khi chưa triển khai internet đến người dùng thì các cơ quan chức năng cũng có thể kịp thời truy vết các địa chỉ mạng xấu, độc, phạm pháp.
Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam cho biết: “Đấy cũng là căn cứ để thiết lập các chính sách, công nghệ để bảo vệ, chặn lọc những nội dung không phù hợp trong gia đình để bảo vệ cho trẻ em khi tham gia vào môi trường mạng".
Trước đó, Bộ thông tin và truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng định danh số điện thoại sử dụng vào mục đích liên hệ với khách hàng. Điều này có nghĩa là khi các nhà mạng chính chủ liên hệ với người dân, trên điện thoại sẽ hiển thị tên của đơn vị đó.
Quy định này đã giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, giảm thiểu số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mạo danh cơ quan chức năng.
Ông Đặng Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam cho biết: “Ví dụ Bộ Thông tin Truyền thông gọi điện xuống cho người dân trao đổi một việc, vấn đề gì đó chẳng hạn. Gọi điện cho người dân mà với số điện thoại mà không hiển thị tên định danh thì có nghĩa rằng là những cái đối tượng đấy là đối tượng lạ và đối tượng đang trục lợi hoặc là đối tượng đang có cái dấu hiệu lừa đảo".
Ông Nguyễn Văn Chiến - Nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết: “Bộ Thông tin Truyền thông cũng sẽ phải nghiên cứu để mở rộng thêm những doanh nghiệp mà nó có liên quan đến cung cấp dịch vụ cho người dân, để người ta có thể nhận diện được những đối tượng lừa đảo, phân biệt được những đối tượng lừa đảo với cả những đơn vị là những doanh nghiệp mà cung cấp dịch vụ cho người dân".
Mặc dù Việt Nam đã đầu tư vào các giải pháp mang tính đồng bộ, tiên tiến nhưng nếu không có sự chung tay của người dân thì mọi nỗ lực đều trở nên vô nghĩa.
Nguyên tắc để phòng chống lừa đảo qua mạng là luôn cảnh giác và tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ. Mỗi người dân là một tuyên truyền viên sẽ góp phần thanh lọc môi trường mạng, đẩy lùi lừa đảo, giảm thiệt hại về kinh tế - xã hội.
Kim Oanh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/dong-bo-cac-giai-phap-phong-chong-lua-dao-tren-mang-324090.htm