Với lòng quý mến chân thành, nhiều cán bộ lão thành chí cốt đã từng nằm sương gối đất với đồng chí Ung Văn Khiêm, trong những năm qua đã từng viết bài để vinh danh đồng chí trong các quyển sách "Nam Bộ thành đồng Tổ quốc đi trước về sau", "Đệ nhất cù lao", "Anh Ba Bộ trưởng"... Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nhiều hình ảnh và bài viết về đồng chí Ung Văn Khiêm (cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Kỉnh, Hà Huy Giáp, Phạm Văn Bạch, Trung tướng Tư lệnh Nam Bộ Nguyễn Bình...) đã được in trong hai cuốn sách hồi ký kháng chiến chống Pháp hoành tráng "Xứ ủy Nam Bộ với chiến khu Đồng Tháp Mười huyền thoại" do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp xuất bản và cuốn "Căn cứ Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam ở U Minh" do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau xuất bản, dưới sự chỉ đạo định hướng về nội dung của một tập thể Hội đồng Cố vấn do đồng chí Phan Văn Khải - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch.
Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam. Từ trái qua phải: Ung Văn Khiêm, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Kỉnh, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ (ảnh chụp năm 1950)
Tôi được tiếp cận với đồng chí Ung Văn Khiêm trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp tại căn cứ địa U Minh, khi đang làm thư ký cho đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Lúc bấy giờ, đồng chí Ung Văn Khiêm là Ủy viên Trung ương (Khóa II), Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Nam Bộ, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bạc Liêu.
Hồi nhớ, cách đây 72 năm, vào một đêm hạ tuần tháng 3/1953 tại vùng Rau Dừa ở căn cứ địa U Minh, tôi được gặp đồng chí Ung Văn Khiêm trong một cuộc nói chuyện đầy ấn tượng với cán bộ trong các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây về kết quả của sự thay đổi chủ trương "bao vây kinh tế địch" và những thắng lợi trong việc tổ chức thực hiện "chính sách thuế nông nghiệp" của Trung ương. Đêm ấy, số người tham dự rất đông, nhà dân không đủ chỗ ngồi. Bà con phải dọn dẹp lục bình và các loài rau nước hoang dại để đậu xuồng ghe kín cả một khúc sông, giống như ở những vùng sâu trên miền đất Hậu Giang thời bình bà con nông dân háo hức đến xem các đoàn nghệ thuật sân khấu cải lương và hát bội đi lưu diễn.
Với tinh thần hào sảng và cách diễn đạt có sức lôi cuốn của một nhà lãnh đạo hùng biện, vừa nắm chắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, vừa am hiểu sâu sắc tình hình thực tiễn ở chiến khu, đồng chí Ung Văn Khiêm đã phác họa cho nguời nghe thấy được bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế kháng chiến, nhằm tiến hành có hiệu quả những giải pháp đột phá để tiếp tục sửa sai một chủ trương không còn phù hợp với hiện thực của đời sống kinh tế và xã hội trong vùng giải phóng: chủ trương thực hiện chính sách "bao vây kinh tế địch". Nhờ kịp thời nắm bắt "ý Đảng, lòng dân" và sâu sát với nguyện vọng quần chúng, đồng chí đã lãnh đạo Ban Kinh tế - Tài chính Nam Bộ góp sức đắc lực vào việc xây dựng nền kinh tế kháng chiến vững mạnh trên chiến trường Nam Bộ, nhằm mục tiêu thực hiện thắng lợi lời hiệu triệu của Bác Hồ "Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả để chiến thắng!".
Tôi còn được nghe đồng chí Ung Văn Khiêm nói chuyện và phát biểu ý kiến đôi lần trong một số cuộc họp mở rộng của Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Đồng chí Ung Văn Khiêm là một con người thông tuệ về trí lực và mẫn cảm về chính trị. Đồng chí có sức lôi cuốn người nghe, bằng lối nói diễn cảm, chân thật, mạch lạc, không có tính chất kinh viện, hàn lâm, cũng không pha màu sắc văn chương bay bướm hay sử dụng ngôn từ theo kiểu đao to búa lớn để nặng lời với đội ngũ cán bộ thuộc cấp của mình.
Đồng chí Ung Văn Khiêm còn có công to lớn trong việc góp phần xây dựng Đồng Tháp Mười thành "vùng đất cách mạng", thành "chiến khu bưng biền huyền thoại" trong cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam Bộ.
Căn cứ địa U Minh Thượng trong kháng chiến chống Pháp
Sự cống hiến của đồng chí Ung Văn Khiêm trong việc xây dựng chiến khu Đồng Tháp Mười được quán triệt thể hiện trong nhiều lĩnh vực hoạt động của cuộc kháng chiến toàn diện, toàn dân. Với trọng trách là Xứ ủy viên và Ủy viên Nội vụ của Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ, một trong những mối quan tâm hàng đầu của đồng chí Ung Văn Khiêm là việc xây dựng hệ thống tổ chức Đảng và các lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng vững mạnh.
Trong phiên họp đầu tiên của Xứ ủy Nam Bộ tại vùng Thiên Hộ (Đồng Tháp Mười) vào hạ tuần tháng 10/1945, ý kiến đề xuất của đồng chí Ung Văn Khiêm về việc "Phải củng cố bộ đội, phải đưa đảng viên nắm bộ đội" đã được Xứ ủy nhất trí hoàn toàn. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp bước sang năm thứ hai (1946), để tăng cường và củng cố hơn nữa sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ Đảng nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, đồng chí Ung Văn Khiêm và đồng chí Trần Văn Trà đã đi đến nhiều địa phương đôn đốc việc tiếp tục sáp nhập hai tổ chức "Tiền Phong" và "Giải phóng" ra sức củng cố Xứ ủy Nam Bộ vững mạnh cả về các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó là những nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh về chính trị và tinh thần, giúp quân dân Nam Bộ lập nên những chiến tích huy hoàng trong các trận đánh lớn liên tiếp diễn ra trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, như các trận Cổ Cò, Giồng Dứa, Tháp Mười, Mộc Hóa, La Bang...
Là một cán bộ có bản lĩnh, năng động, sáng tạo và đã từng sống lăn lộn trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nên đồng chí Ung Văn Khiêm rất nhạy cảm về chính trị. 80 năm trước đây, sau khi đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào về thành phố Sài Gòn vào đầu tháng 9/1945, tiếp nhận sự phân công công tác của Đảng làm Ủy viên Nội vụ Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ, đồng chí Ung Văn Khiêm bắt tay ngay vào việc giải quyết những vấn đề bức xúc do hoàn cảnh đặc thù về xã hội và chính trị trên chiến trường Nam Bộ đột biến phát sinh trong vấn đề dân tộc và tôn giáo.
Nhờ sự quán triệt tiếp thu và vận dụng tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Bác Hồ, đồng chí Ung Văn Khiêm đã thu phục được nhân tâm các bậc hiền tài, của nhiều chức sắc tôn giáo, giới điền chủ yêu nước và không ít nhân sĩ trí thức có tiếng tăm. Điều đó chẳng những góp phần vào việc củng cố nền tảng vững chắc của Mặt trận Dân tộc thống nhất, mà còn tạo ra cơ sở thuận lợi cho cuộc vận động phong trào điền chủ hiến điền nhằm tạo thêm quỹ đất để cấp cho nông dân nghèo.
Chỉ tính riêng ở miền Tây Nam Bộ, cụ Cao Triều Phát đã hiến đến 5.000 mẫu ruộng, ông Huỳnh Thiện Lộc hiến 3.000 ha đất... Tại khu vực miền Trung Nam Bộ, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt cũng đã hiến 100 ha đất trong tỉnh Bến Tre...
Đúng như đồng chí Lê Duẩn - nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng chỉ rõ: Việc cấp đất cho nông dân nghèo trong hoàn cảnh đặc thù của những năm kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam Bộ, đã tạo ra "Lá bùa hộ mệnh" cho quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau khi cán bộ và quân đội ta trên chiến trường Nam Bộ đã lên tàu đi tập kết ra miền Bắc. Một trong những người có công không nhỏ trong việc tạo ra "Lá bùa hộ mệnh" ấy, chúng ta không thể không trân trọng vinh danh đồng chí Ung Văn Khiêm.
(Còn tiếp...)
TRẦN HỮU PHƯỚC