Các nghệ sỹ trình diễn thơ tại Ngày Thơ Việt Nam 2025. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 diễn ra trong bối cảnh đất nước vừa kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, vì vậy, Ban Tổ chức chọn chủ đề là “Tổ quốc bay lên,” lấy cảm hứng từ câu thơ “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa Xuân” trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ, liệt sỹ Lê Anh Xuân.
Trong niềm cảm hứng ấy, các nhà thơ đã bày tỏ sự trăn trở về trách nhiệm của mình trước vận mệnh của đất nước và hạnh phúc của Nhân dân. Đó là nội dung của buổi tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” diễn ra ngày 12/2 tại Ninh Bình.
Thi ca đồng hành cùng đất nước
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, nền thơ ca Việt Nam đã có nhiều tên tuổi lớn với những tác phẩm thể hiện rõ trách nhiệm xã hội, chẳng hạn như với nhà thơ Tố Hữu, lý tưởng cách mạng là cảm hứng chủ đạo của thơ của ông:
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ.
Đó là những câu thơ cho thấy trách nhiệm với vận mệnh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân luôn luôn được đặt lên hàng đầu trong thơ Tố Hữu.
Tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” diễn ra ngày 12/2 tại Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
Theo nhà thơ lão niên Vũ Quần Phương, trách nhiệm ấy, đối với Tố Hữu đã thành một bản năng. Nó tự động len vào cảm xúc, chi phối cả cảm hứng thơ. Điều ấy khá tự nhiên vì Tố Hữu đến với thơ cùng lúc đến với cách mạng.
“Thơ Tố Hữu tỏa ra nhiều đề tài, có những đề tài rất đời thường, như tiếng chổi tre quét trên đường phố đêm hay lời hát mẹ ru con… nhưng bao giờ cũng hướng vào chủ đề cách mạng,” nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng đề cập đến sự thay đổi của các văn nghệ sỹ thời kỳ Thơ Mới khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra. Khi đó, hầu hết các văn nghệ sỹ đã tập hợp dưới cờ Mặt trận Việt Minh, khởi nghĩa giành chính quyền và tiến hành kháng chiến chống Pháp.
“Khi Đảng phất lên ngọn cờ kháng chiến, những nhà thơ lãng mạn như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Yến Lan, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên… đã là những người có mặt, sẵn sàng từ bỏ những tác phẩm huy hoàng của ‘Thơ Mới’ để thành người lính cách mạng, lấy bút mực làm vũ khí, sáng tạo nên văn chương cách mạng, góp sức, góp máu xương giành độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước,” nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ.
Có thể thấy rằng trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, các nhà thơ luôn đồng hành cùng dân tộc, thể hiện trách nhiệm của người cầm bút. Bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới đặt ra vấn đề về trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ trong đời sống sáng tác.
Nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam) cho rằng nhà thơ phải luôn có trách nhiệm tìm tòi, đổi mới, khám phá và chinh phục những chân trời nghệ thuật đang đặt ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ khi ngồi trước trang giấy trắng.
“Với tư cách một công dân, nhà thơ không thể tách rời đời sống xã hội, những chuyển mình của đất nước trong kỷ nguyên mới. Vì thế, bằng sáng tác của mình, người cầm bút phải thể hiện trách nhiệm với đất nước, dân tộc và nhân loại tiến bộ trên thế giới, giống như những thế hệ nhà thơ thời kỳ kháng chiến đã thể hiện rất tốt,” nhà thơ Trần Anh Thái chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo nhà thơ Trần Anh Thái, nhà thơ của thời đại hôm nay còn cần có khát vọng. Ngoài mong muốn, nung nấu có tác phẩm tầm cỡ, được xã hội công nhận, được người đọc nhớ đến, thì mỗi nhà thơ phải có khát vọng đưa nền thơ ca dân tộc sánh vai với các quốc gia trên thế giới thông qua chính tác phẩm của mình và việc quảng bá, dịch thuật thơ ca.
Không thể xa rời cuộc sống
Tại tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ,” nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội khẳng định thơ ca không chỉ đưa con người vượt qua những trắc trở trong cuộc sống, nhìn ra những vẻ đẹp của cuộc sống và ca tụng vẻ đẹp đó, mà từ đó còn chưng cất lên một vẻ đẹp khác cao hơn mang tính lý tưởng, biến lý tưởng thành khát vọng và đưa con người hướng tới lý tưởng đó.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
“Thơ ca tạo ra khát vọng để con người vươn tới. Khát vọng đó gắn chặt với trách nhiệm của nghệ sỹ. Thơ ca có giá trị đối với đời sống bởi con người biết vịn vào sự tử tế do thơ ca mang đến,” nhà thơ Nguyễn Bình Phương chia sẻ.
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương cũng đặt câu hỏi liệu người cầm bút đã làm được đầy đủ trách nhiệm đó hay chưa, có đối diện với những vấn đề gai góc của đời sống không, hay chọn cách đi vòng qua, tránh né bằng sự phù phiếm.
Nhà thơ trẻ Nguyễn Như cho rằng thơ ca không thể xa rời cuộc sống. Thơ là thứ không phải cứ kể một cách thời sự, tài của người làm thơ có nhiều cách để tỏ bày góc độ sống, lý lẽ của riêng mình. Nhiệm vụ của người làm thơ là đi tìm cái đẹp, giác ngộ, cứu rỗi những đớn đau, vấn nạn…
“Là một người viết trẻ, tôi trăn trở hơn qua những biến chuyển xã hội, nghịch đạo đức, con người tha hóa, thiên nhiên, môi trường, văn hóa lụi dần… Tôi lo sợ trước những quả đồi trọc ở quê tôi vào mùa khô ròng rã; tôi buồn bã trước bầu khí quyển, môi trường của Hà Nội, Sài Gòn… Là một công dân, một tác giả thơ, tôi gắn với những thứ mà mình đã chạm ở đời sống xã hội con người,” anh chia sẻ.
Nhà thơ Đặng Huy Giang tham luận tại tọa đàm. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
Cùng quan điểm đó, nhà thơ Đặng Huy Giang cho rằng thơ hay là thơ có tư tưởng, giản dị mà sâu sắc, giản dị mà khó làm, làm khác thường những điều bình thường hoặc phát hiện ra những điều khác thường trong những điều bình thường.
“Chính vì thế, trước khi có những câu thơ hay, chúng ta hãy có một tinh thần lao động sáng tạo thực sự và có một thái độ nghiêm túc trong cách hành xử với thi ca. Phấn đấu làm sao để thi ca trở về giá trị đích thực vốn có của nó,” nhà thơ chia sẻ.
Đóng góp tham luận tại tọa đàm, nhà thơ Khuất Bình Nguyên cho rằng trong thế kỷ 20, người Việt Nam trải qua ít nhất bốn cuộc chiến tranh giành và giữ nền độc lập. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
Từ cảm hứng đó, nhà thơ Khuất Bình Nguyên đặt câu hỏi rằng thi ca đứng dậy bằng điều gì trong kỷ nguyên mới? Ông cho rằng phải chăng thi ca nên đứng dậy từ truyền thống để làm nên truyền thống mới – truyền thống của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân văn thấm đậm tình non nước trong sự vươn mình của dân tộc./.
(Vietnam+)