Nhà thơ Lữ Mai
Trung tuần tháng 1/2025, tác phẩm "Lũ" của nhà thơ Lữ Mai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh vào Top 10 cuốn sách nổi bật năm 2024. Đây là lần đầu tiên một cuốn sách điện tử được xướng tên trong hạng mục này, đánh dấu bước chuyển của văn học kỹ thuật số.
Sách điện tử là một xu hướng quan trọng của văn học đương đại
+ Việc trường ca "Lũ" được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vinh danh có ý nghĩa như thế nào đối với chị?
Niềm vui này khá bất ngờ với tôi và tôi thật sự xúc động bởi tác phẩm không chỉ là sự nỗ lực cá nhân mà quan trọng còn có sự đồng hành của đội ngũ làm sách và cộng đồng.
Có lẽ, nhiều người sẽ bất ngờ khi biết rằng, giữa tháng 11/2024, tôi và đơn vị làm sách mới ký kết hợp tác và tháng 12/2024 đã phát hành tác phẩm trên nền tảng số. Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành Xuất bản thì đây là một nỗ lực, một sự kết hợp cần thiết.
+ Phát hành "Lũ" dưới dạng sách điện tử có phải là một lựa chọn ngay từ đầu của chị không? Theo chị, hình thức này có lợi thế gì so với sách in?
Đó là một lựa chọn mang tính chủ động của tôi. Tôi nhận thấy vai trò của người viết trong việc bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ, góp phần thay đổi thói quen đọc sách của độc giả. Nói về lợi thế của sách điện tử, đầu tiên là tính tiện lợi.
Nhà thơ Lũ Mai và trẻ em vùng cao
Chỉ cần thông qua thiết bị, một vài thao tác nhỏ, người đọc có thể tải, đọc ngay lập tức mà không cần phải đến hiệu sách hay chờ vận chuyển. Bên cạnh đó, sách điện tử dễ dàng cập nhật, tạo mối liên hệ giao lưu, tương tác giữa tác giả và độc giả hoặc cộng đồng độc giả.
Tác phẩm đưa người đọc qua nhiều cung bậc cảm xúc: Yêu thương, da diết, trăn trở, xa xót, phẫn nộ, day dứt nhưng rồi khép lại là lòng bao dung đầy nhân ái với cuộc đời; gửi đến độc giả những thông điệp kép: Con người cần sống hài hòa, nhân ái với thế giới tự nhiên; mỗi chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến trẻ em, dành cho các em sự yêu thương và che chở”.
Nhà thơ - Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ
Ngoài ra, sách điện tử có chi phí phát hành thấp hơn. Điều này giúp giảm giá thành, khiến cuốn sách dễ tiếp cận hơn với mọi đối tượng.
Trường hợp của trường ca "Lũ" đã đánh dấu sự bắt tay của tất cả các bên với mục đích vì cộng đồng: Tác giả không nhận nhuận bút, NXB Hội Nhà văn tặng kinh phí cấp phép, Sách điện tử Waka miễn phí toàn bộ khâu kỹ thuật, sản xuất…
Hiện trường ca "Lũ" cũng được đăng tải trên nền tảng số với các phiên bản khác nhau để phục vụ bạn đọc miễn phí.
+ Với sự phát triển của công nghệ, chị có nghĩ sách điện tử sẽ trở thành một xu hướng quan trọng trong văn học đương đại?
Tôi tin vào điều đó bởi thực tế xu hướng này đã và đang phát triển khá mạnh mẽ. Sự phát triển của công nghệ đã thay đổi cách con người tiếp cận, xử lý thông tin, bao gồm cả việc đọc sách.
Sách điện tử không chỉ thuận tiện về mặt không gian, thời gian mà còn có khả năng tích hợp các tính năng tương tác như âm thanh, hình ảnh, thậm chí là video, mở ra những cơ hội mới cho sự sáng tạo trong văn học nói riêng và giúp lan tỏa văn học nói chung.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lạc quan quá và cần tiếp tục nâng cao vai trò của người viết, các đơn vị xuất bản, phát hành.
Những năm gần đây, tuy việc chuyển đổi số trong xuất bản, phát hành đã có thành tựu nhất định, song, số lượng và chất lượng sách điện tử chưa đồng đều, chưa được nâng cao. Trong các giải thưởng lớn về sách thì sách điện tử gần như vắng bóng, quy chế một số cuộc thi chưa có sự điều chỉnh để phù hợp cho sách điện tử.
Bên cạnh đó, một điều khá quan trọng là tác động, thay đổi tư duy, tâm lý của các tác giả để chính họ có sự đổi mới, kết hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn với các đơn vị làm sách.
Muốn tập trung vào đề tài xã hội, con người, thời đại
+ Điều gì đã khiến chị cùng Sách điện tử Waka thực hiện chương trình gây quỹ đồng hành với trẻ em vùng cao cùng với phát hành trường ca "Lũ"? Sau một thời gian phát động, chương trình đã có kết quả như thế nào?
Bìa cuốn Trường ca "Lũ"
Chúng tôi nghĩ rằng sự kết nối giữa giá trị của văn học với cộng đồng là rất cần thiết và đó cũng là sự tri ân đời sống. Con người luôn mang lại cho tác giả dữ liệu, cảm xúc dồi dào để sáng tạo.
Trước đây, tôi đã có những dự án sách hướng tới cộng đồng, như: Bộ sách "Nơi đầu sóng - Mắt trùng khơi" phát hành ủng hộ cán bộ, chiến sĩ và hậu phương người lính Hải quân; trường ca "Chư Tan Kra mây trắng" phát hành ủng hộ kinh phí cho các cựu chiến binh trở về chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội; trường ca "Hồi sinh" phát hành ủng hộ trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sau đại dịch Covid-19...
Trường ca "Lũ" của nhà thơ Lữ Mai gồm 9 chương, là câu chuyện được kể qua linh hồn của một em bé xấu số bị lũ cuốn trôi. Không chỉ tái hiện sự khốc liệt của thiên tai, tác phẩm còn phơi bày những hậu quả đau lòng của nạn phá rừng, khai thác thiên nhiên bừa bãi; đồng thời khơi gợi lòng nhân ái, sự đoàn kết và tinh thần sẻ chia của con người.
Cùng với định dạng điện tử, trường ca "Lũ" cũng được phát hành bản sách in truyền thống. Tác phẩm được minh họa bằng bộ tranh "Mẹ Thiên nhiên" của họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang - cậu bé dân tộc Tày sinh năm 2012 từng đạt giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn.
Hiện tại, nguồn quỹ chúng tôi nhận về, được cập nhật và công khai trên website của dự án là gần 65 triệu đồng và mục tiêu đợt 1 là 150 triệu đồng. Trong khi chờ dự án đạt mục tiêu, Waka và tôi vẫn liên tục tiếp nhận thông tin về các hoàn cảnh khó khăn của trẻ em vùng cao để hỗ trợ kịp thời.
Trong tháng 12/2024, chuyến quà tặng đầu tiên của chương trình gồm nhiều đồ thiết yếu như quần áo, chăn, giày dép... đã được Waka chuyển tới huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Hình ảnh những em nhỏ hân hoan nhận quà đã để lại dấu ấn đầy xúc động trong lòng chúng tôi.
+ Thành công của "Lũ" có ảnh hưởng như thế nào đến định hướng sáng tác của chị trong thời gian tới?
"Lũ" là trường ca thứ 4 của tôi với chủ đề về thiên tai và niềm tin của con người, sau các đề tài chủ quyền biển, đảo, chiến tranh cách mạng, đại dịch Covid-19. Tôi đang tiếp tục với dự án về một trường ca đề tài biên giới - một niềm trăn trở với tôi từ rất lâu - dự kiến sẽ ra mắt vào năm nay.
Tôi cho rằng, mỗi tác phẩm, dù nhỏ, đều có thể tạo ra những kết nối và tác động đến người đọc. Tác phẩm càng mang giá trị tích cực, nhân văn thì càng cần được người viết nỗ lực khai thác.
Tôi muốn tập trung nhiều hơn nữa vào những đề tài liên quan đến xã hội, con người, thời đại và vẫn hòa nhịp vào sự chia sẻ với cộng đồng, đặc biệt là đối tượng trẻ em ở vùng miền khó khăn.
+ Xin cảm ơn chị!
"Đất Mẹ ôm vào lòng bão tố
như chưa từng đớn đau
cây bật rễ mầm non vẫn thức
hoa úa màu nụ vẫn nhú lên
suối cạn trong veo đá cuội
hoa trắng rơi trên vết nứt lưng đồi
mỗi cánh hoa một lời của đất
mỗi sắc màu giấc mộng gửi mây
âm vọng từ cây rập rờn nhịp bước
- con có nghe tiếng thở của núi?
từng giọt mưa như muối mặn môi
và nỗi đau không lời
dào căng lồng ngực
- cuối cùng, con đã trở về
trong tay mẹ".
(Trích khúc 33, trường ca "Lũ")
Minh Nhi (Thực hiện)