Ông Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 cho TP Hải Phòng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 cho Hải Phòng.
Trong số các di tích thờ Ngô Quyền trên địa bàn quận Hải An, di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 được suy tôn là “Từ Cả” - tức là nơi đứng đầu về thờ Ngô Quyền. Đây là nơi đã từng là đại bản doanh đóng quân và tích trữ lương thực của Ngô Quyền trong trận đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938.
Sau khi Đức Vương Ngô Quyền mất, dân làng Lương Xâm đã dựng đền thờ ông để tỏ lòng kính trọng và tôn vinh vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc. Trải qua thời gian, với nhiều biến cố lịch sử, di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 ngày nay là một địa điểm hội tụ tâm linh, tín ngưỡng đông đảo của người dân địa phương và khách thập phương khắp nơi trong cả nước, đồng thời luôn giữ vai trò là một trong những di tích trọng điểm của quận Hải An.
Đức Vương Ngô Quyền là một trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu của Việt Nam. Năm 938, ông là người lãnh đạo quân sĩ và nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận chiến trên sông Bạch Đằng lịch sử, chấm dứt nền thống trị hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên độc lập lâu dài cho dân tộc Việt Nam. Với công đức của Ngô Quyền, nhiều triều đại đã ban sắc phong suy tôn ông là “Thượng đẳng tối linh Đại Vương, là Ngô Vương Thiên Tử, là vị tổ trung hưng của dân tộc”.
Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm thờ Đức Vương Ngô Quyền còn lưu giữ chứng tích lịch sử về một trận Bạch Đằng Giang oanh liệt với nhiều giá trị lịch sử lớn lao để lại cho hậu thế ngày nay. Tương truyền để chuẩn bị cho trận Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền đã chọn nơi đây làm nơi chứa lương thảo, nơi đặt căn cứ bản doanh để quan sát và chỉ huy trận Bạch Đằng lịch sử. Ông đã chọn một vị trí thuận lợi để trực tiếp chỉ huy việc xây dựng bãi cọc, bố trí lực lượng, tổ chức trận địa mai phục sẵn sàng tiêu diệt quân xâm lược Nam Hán.
Toàn cảnh Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Cụm di tích Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 và khai mạc Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm 2025.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 được ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một chiến công chói lọi, đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng, chấm dứt nền thống trị hơn ngàn năm của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài của dân tộc ta.
Nơi đây vẫn còn vết tích của đường vành kiệu thuở ấy. Một trong những điều làm nên giá trị lịch sử của Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm bởi nơi đây lưu giữ các hiện vật xuyên suốt thời kỳ dài hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc bao gồm: 125 hiện vật, cổ vật và 25 đạo sắc phong niên đại từ năm 1522 đến 1924 của các triều đại Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ 3 chiếc cọc được cho là chứng tích của trận Bạch Đằng lịch sử năm 938.
Với những giá trị và ý nghĩa đó, năm 1986, Từ Lương Xâm được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đưa vào danh mục Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2022, Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, để bảo tồn, phát huy bền vững giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Từ Lương Xâm, Lễ hội Từ Lương Xâm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thành phố Hải Phòng, quận Hải An quan tâm triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích; thực hiện cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích trên thực địa; xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, tu bổ, tôn tạo di tích; triển khai Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản Lễ hội Từ Lương Xâm; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, khai quật khảo cổ làm sáng tỏ hơn nữa lịch sử của khu vực có di tích; tổ chức tuyên truyền sâu rộng giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của di tích; giá trị tốt đẹp của Lễ hội trong đời sống văn hóa cộng đồng, gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội và du lịch, góp phần xây dựng, bồi đắp niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước; trở thành điểm đến du lịch có sức thu hút đối với du khách trong và ngoài nước.
Tin, ảnh: Hoàng Ngọc (TTXVN)