Ngôi chùa Phật giáo Maha Myat Muni sụp đổ sau trận động đất ở Mandalay, Myanmar ngày 28/3. (Nguồn: EPA)
Năm 2022, Trung tâm Thông tin động đất quốc gia của Mỹ (NEIC) ghi nhận khoảng 20.000 trận động đất trên toàn cầu mỗi năm, tức là khoảng 55 trận mỗi ngày. Theo hồ sơ từ khoảng năm 1900 đến nay, NEIC ước tính mỗi năm có trung bình khoảng 16 trận động đất lớn từ 7 độ Richter trở lên. Chỉ tính riêng châu Á, đã có những trận động đất gây ra thiệt hại khủng khiếp về người, cơ sở vật chất và để lại những tổn thương khó lành.
Những nỗi kinh hoàng
Vào năm 1556, trận động đất mạnh khoảng 8,0 - 8,3 độ Richter ở Thiểm Tây (Trung Quốc) đã san phẳng hàng loạt thành phố, nhà cửa và cơ sở hạ tầng. Theo trang Bách khoa toàn thư Britannica, đây được xem là trận động đất chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, với ước tính 830.000 người thiệt mạng. Do nhà ở thời kỳ này chủ yếu được xây trên nền đất mềm...nên khi động đất xảy ra, hàng loạt công trình sụp đổ gây thương vong nghiêm trọng. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Nam và Hà Bắc.
Những năm sau đó, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia hứng chịu nhiều trận động đất gây thiệt hại nặng nề, đáng chú ý là các trận động đất Đường Sơn (1976) và Tứ Xuyên (2008). Trận động đất Đường Sơn, xảy ra ngày 28/7/1976, mạnh 7,5 độ Richter, gần như san phẳng thành phố công nghiệp và khai thác than của quốc gia Đông Bắc Á. Britannica cho biết, số người thiệt mạng được báo cáo chính thức là 242.000 người, nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn. Hầu hết trường hợp tử vong là do sập các ngôi nhà xây bằng gạch không gia cố trong lúc đang ngủ.
Trận động đất Tứ Xuyên ngày 12/5/2008 với tâm chấn mạnh 7,9 độ Richter đã gây hậu quả nghiêm trọng với gần 90.000 người thiệt mạng, 375.000 người bị thương và hơn năm triệu người mất nhà cửa. Hơn một nửa thị trấn Bắc Xuyên bị tàn phá nặng nề. Khoảng 4/5 công trình trong khu vực bị sập hoàn toàn, nhiều làng mạc hoàn toàn biến mất.
Khung cảnh đổ nát sau trận động đất Tứ Xuyên ngày 12/5/2008. (Nguồn: Tripfabrik)
Nhật Bản cũng là quốc gia thường xuyên hứng chịu các trận động đất mạnh. Ngày 11/3/2011, trận động đất mạnh 9 độ Richter ở ngoài khơi cách thành phố Sendai, tỉnh Miyagi khoảng 130 km về phía Đông đã tạo ra một loạt sóng thần cực mạnh tấn công bờ biển. Sóng thần cao khoảng 10 mét tràn vào gây thiệt hại nặng nề tại nhiều tỉnh thành. Theo Britannica, tổng số nạn nhân được xác nhận đã tử vong hoặc mất tích trong thảm họa này là khoảng 18.500, mặc dù các ước tính khác cho rằng, ít nhất là 20.000 người thiệt mạng. Ngoài thiệt hại về người và tài sản, trận động đất còn gây ra sự cố hạt nhân nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, dẫn đến rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng, kéo theo những hậu quả lâu dài đối với môi trường và đời sống con người.
Tại Nam Á, một trận động đất mạnh 7,6 độ Richter xảy ra vào ngày 8/10/2005 tại khu vực Kashmir và tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan, gây ảnh hưởng đến các khu vực lân cận ở Ấn Độ cũng như Afghanistan. Thảm kịch đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 79.000 người, khiến hơn 32.000 tòa nhà bị đổ sập, trở thành một trong những trận động đất tàn phá nhất trong thời hiện đại.
Từ năm 1950 đến nay, khu vực Đông Nam Á cũng trải qua nhiều trận động đất nghiêm trọng, đáng chú ý nhất là trận động đất ngoài khơi đảo Sumatra (Indonesia) xảy ra vào sáng ngày 26/12/2004, mạnh 9,1 độ Richter.
Trong vòng 7 giờ sau đó, sóng thần do động đất gây ra đã lan rộng khắp Ấn Độ Dương, cướp đi sinh mạng của 230.000 người ở 13 quốc gia, trong đó, Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Maldives và Thái Lan chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Ngoài ra, còn có trận động đất Sulawesi (Indonesia, 2018), mạnh 7,5 độ Richter, không chỉ khiến hơn 4.300 người thiệt mạng và mất tích mà còn gây ra một trận sóng thần dữ dội, làm hư hỏng nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng và nhà cửa, hàng chục nghìn người mất nơi ở. Trận động đất Luzon (Philippines, 1990) mạnh 7,7 độ Richter, khiến khoảng 1.600 người thiệt mạng và phá hủy nhiều công trình ở Baguio và các vùng lân cận... Mới đây nhất, trận động đất mạnh 7,7 độ Richter ở Myanmar xảy ra chiều 28/3, với các cơn chấn động được cảm nhận ở Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam.
Trận động đất ở Myanmar xảy ra vào chiều ngày 28/3, với tâm chấn mạnh 7,7 độ Richter ở gần thành phố lớn thứ hai Mandalay. Tính đến ngày 5/4, số người chết thiệt mạng đã tăng lên 3.354 người, trong khi 4.850 người bị thương và 220 người mất tích. Myanmar tuyên bố quốc tang một tuần tưởng niệm các nạn nhân xấu số, từ ngày 31/3-6/4.
Nguyên nhân do đâu?
Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), nguyên nhân chính gây ra hầu hết các trận động đất là sự giải phóng đột ngột năng lượng do biến dạng đàn hồi trong lớp vỏ Trái đất. Trái đất được cấu tạo bởi nhiều mảng kiến tạo lớn liên tục di chuyển. Khi các mảng này va chạm, trượt ngang hoặc tách rời, năng lượng tích tụ sẽ được giải phóng dưới dạng sóng địa chấn, gây ra hiện tượng động đất.
Phần lớn động đất xảy ra dọc theo ranh giới các mảng kiến tạo, như “Vành đai lửa Thái Bình Dương” chiếm khoảng 80% năng lượng địa chấn, bao gồm New Zealand, Nhật Bản, Alaska và bờ Tây châu Mỹ hay “Vành đai Alpide” kéo dài từ Địa Trung Hải qua châu Á, chiếm khoảng 15% năng lượng địa chấn. Ngoài ra, động đất cũng có thể xuất phát từ hoạt động núi lửa, con người khai thác mỏ hay thử nghiệm hạt nhân.
Cường độ của một trận động đất được đo bằng thang độ Richter hoặc thang cường độ Momen, trong khi mức độ ảnh hưởng trên mặt đất được đánh giá bằng thang Mercalli. Những trận động đất có cường độ từ 7,0 độ Richter trở lên thường gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt là khi xảy ra ở khu vực đông dân cư. Mức độ thiệt hại thường phụ thuộc vào độ sâu của trận động đất (động đất nông có xu hướng gây thiệt hại lớn hơn), mật độ dân số và khả năng chịu lực của các tòa nhà cũng như các công trình khác trước khi sụp đổ. Một số trận động đất gây ra sóng thần càng làm tăng thêm thiệt hại và thương vong.
Những ngôi nhà ở thành phố Natori, Đông Bắc Nhật Bản bị cháy hoặc bị nước biển cuốn trôi sau trận sóng thần và động đất ngày 11/2/2011. (Nguồn: Kyodo)
Nỗ lực ứng phó
USGS cho biết, số lượng trận động đất gia tăng không phải vì có nhiều động đất hơn mà vì công nghệ ghi nhận ngày càng tiến bộ. Tuy nhiên, dự đoán động đất vẫn là một thách thức khoa học lớn, do chưa có phương pháp nào có thể xác định chính xác thời điểm và địa điểm xảy ra động đất.
Hiện nay, các nhà khoa học sử dụng nhiều phương pháp để nhận diện sớm nguy cơ động đất, như mô hình chu kỳ địa chấn giúp xác định các khu vực tích tụ năng lượng địa chấn chưa được giải phóng trong thời gian dài, từ đó cảnh báo về khả năng xảy ra động đất. Việc theo dõi tiền chấn, tức các chấn động nhỏ xuất hiện trước một trận động đất lớn, cũng là một phương pháp quan trọng để đưa ra cảnh báo sớm. Ngoài ra, việc phân tích sóng địa chấn bằng hệ thống cảm biến hiện đại kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép phát hiện các dấu hiệu bất thường trong hoạt động địa chấn. Một số nghiên cứu còn ghi nhận hành vi bất thường của động vật trước khi động đất xảy ra, do đó việc theo dõi phản ứng của chúng cũng có thể cung cấp những dấu hiệu cảnh báo quan trọng.
Bên cạnh dự đoán, các biện pháp giảm thiểu tác hại của động đất cũng rất quan trọng. Britannica cho rằng, việc xây dựng bản đồ nguy cơ địa chấn giúp xác định khu vực rủi ro cao, từ đó hỗ trợ quy hoạch đô thị và thiết kế công trình phù hợp. Các công trình chống động đất áp dụng kỹ thuật xây dựng tiên tiến nhằm tăng cường khả năng chống chịu của tòa nhà. Hệ thống cảnh báo sớm (EEW), hiện được một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Philippines áp dụng, có thể phát hiện động đất và đưa ra cảnh báo trước vài giây đến vài phút, giúp người dân kịp thời ứng phó. Cùng với đó, việc giáo dục và đào tạo cộng đồng về kỹ năng ứng phó với động đất thông qua các chương trình tuyên truyền và diễn tập thường xuyên giúp nâng cao nhận thức và giảm thiểu thương vong khi thảm họa xảy ra.
Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong ứng phó với động đất nhờ áp dụng các công nghệ xây dựng tiên tiến như nền móng hấp thụ chấn động, khung thép linh hoạt và hệ thống giảm rung động cho nhà cao tầng. Nước này còn có hệ thống cảnh báo sớm tiên tiến, diễn tập định kỳ và giáo dục cộng đồng về kỹ năng sinh tồn khi động đất xảy ra.
Dù khoa học chưa thể dự báo chính xác động đất, nhưng các nghiên cứu và công nghệ tiên tiến đang giúp cải thiện khả năng nhận diện dấu hiệu động đất sớm. Việc kết hợp giữa công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo và quan sát thực nghiệm có thể giúp hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Con người chưa thể ngăn chặn động đất, nhưng có thể chủ động chuẩn bị để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ cuộc sống của mình.
Hoàng Hà