Nhiều hạ tầng quan trọng của Myanmar bị hư hại nghiêm trọng sau trận động đất ngày 28/3, bao gồm các đường ống dầu ngầm và hệ thống điện. (Nguồn: Financial Times)
Trận động đất ngày 28/3 vừa qua không chỉ tàn phá Myanmar mà còn gây ảnh hưởng đến nhiều nước láng giềng như Bangladesh, Ấn Độ, Lào, Trung Quốc và Thái Lan.
Nhiều hạ tầng quan trọng của Myanmar bị hư hại nghiêm trọng, bao gồm các đường ống dầu ngầm và hệ thống điện. Chính quyền nước này đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, trong đó có việc tiếp nhận các tàu chở dầu để giảm bớt tình trạng thiếu nhiên liệu.
Các lực lượng cứu hộ quốc tế vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm nạn nhân dưới những đống đổ nát. Nhiều thi thể đã được tìm thấy trong tuần qua, mặc dù công tác cứu hộ phải đối mặt với khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và hậu quả của xung đột kéo dài tại nước này.
Trong ngày 5/4, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Utama Haji Mohamad bin Haji Hasan, trên cương vị Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, sẽ thực hiện sứ mệnh nhân đạo đến thủ đô Nay Pyi Taw, cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa.
Nhiều quốc gia cũng đã thể hiện sự đoàn kết với Myanmar kể từ khi thảm họa động đất xảy ra. Malaysia gửi 15 tấn hàng viện trợ thông qua Trung tâm AHA của ASEAN nhằm giúp Myanmar vượt qua thảm họa.
Trong ngày 4/4, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif gửi lời chia buồn và cam kết hỗ trợ người dân Myanmar khắc phục hậu quả thiên tai.
Chính phủ Anh cam kết viện trợ thêm 6,5 triệu USD, nâng tổng số viện trợ của nước này cho Myanmar lên 19,5 triệu USD.
Trong khi đó, Chương trình lương thực thế giới (WFP) đã cung cấp lương thực cho 24.000 người sống sót và dự kiến sẽ mở rộng hỗ trợ tới 850.000 người trong một tháng tới.
Đặc biệt, Việt Nam đã kịp thời cử lực lượng cứu hộ cứu nạn; hỗ trợ khẩn cấp đồ cứu trợ, viện trợ 300.000 USD giúp Myanmar khắc phục hậu quả động đất. Đoàn cứu hộ cứu nạn của Việt Nam cũng đã trích một phần kinh phí hoạt động, hỗ trợ 5.000 USD để giúp đỡ nhân dân nước bạn.
(theo TTXVN)
Ngọc Anh