Chị Bạch Thị Hạnh (bên phải) bằng sự gần gũi, lắng nghe đã làm cho giai đoạn tuổi dậy thì của con gái được “dịu” lại và nay cháu đã thành công bước vào giảng đường đại học
Một lần con bỏ nhà đi
Chị Nguyễn Thị Kim H. (42 tuổi), ở phường Nam Gia Nghĩa, tỉnh Lâm Đồng vẫn không quên đêm con gái chị, đang học lớp 8 bỏ nhà đi sau một cuộc cãi vã. Trước đó vài tuần, con bắt đầu có nhiều biểu hiện khác lạ như: ít nói, dễ cáu gắt, thường đóng cửa phòng và không chia sẻ bất cứ điều gì với bố mẹ. Mỗi lần góp ý chuyện học hành, cách ăn mặc hay bạn bè con đều phản ứng gay gắt. Chị H thừa nhận, lúc ấy, chị chỉ nghĩ con “trái tính trái nết”, cố chấp và hỗn. “Mình quát nhiều hơn là hỏi, ép con làm theo ý mình thay vì ngồi lại lắng nghe”.
Khi phát hiện con không có trong phòng, chiếc điện thoại nằm lại lặng lẽ trên bàn học, cả gia đình rơi vào hoảng loạn. May mắn, sau vài giờ, con được một người bạn cùng lớp gọi điện bảo đang ở cùng. “Lúc đó tôi vừa nhẹ nhõm, vừa choáng váng. Tại sao con gái ngoan ngoãn, học giỏi lại hành động như vậy?”, chị H nhớ lại.
Sau sự việc, thay vì trách mắng, chị H thay đổi cách giao tiếp với con. Mỗi tối, chị cố gắng ngồi xuống nói chuyện với con, không phải để “dạy bảo” mà để lắng nghe. Từ những vấn đề nhỏ như: “Hôm nay ở trường thế nào?”, “Con có gì muốn tâm sự với mẹ không?”… Ban đầu nhận lại sự im lặng, nhưng dần dần, con bắt đầu cởi mở hơn.
Chị H tìm đọc thêm sách tâm lý tuổi dậy thì, chia sẻ với hội nhóm cha mẹ, gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm của con để hiểu rõ hơn sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi này. “Tôi nhận ra con không cần mình kiểm soát, con cần được hiểu. Thay vì quản lý, mình phải đồng hành. Có lúc tôi sai và phải xin lỗi con, điều mà trước đây tôi chưa từng nghĩ sẽ làm”.
Kể từ sau cú sốc đó, không khí trong gia đình chị H thay đổi. Con gái chị vẫn còn nhiều tâm trạng nhưng không còn giữ trong lòng. Mỗi tối, hai mẹ con ngồi nói chuyện về bạn bè, chuyện trường lớp, cả những chuyện con không dám nói ở lớp. “Nếu mình không mở lòng trước, con sẽ chẳng bao giờ dám kể những chuyện đó”, chị chia sẻ.
Thấu hiểu, không áp đặt
Chuyện của con gái chị H. không phải là hiếm. Trong thực tế, đã có không ít trường hợp trẻ tuổi dậy thì vì thiếu sự kết nối với cha mẹ mà rơi vào trạng thái cô lập, nổi loạn, thậm chí sa ngã.
Tại một trường THCS trên địa bàn phường Đông Gia Nghĩa, một nữ sinh lớp 9 từng nhiều lần bỏ học, bỏ nhà đi vì cảm thấy “không ai hiểu mình”. Khi cô giáo mời phụ huynh lên trao đổi, mẹ em chỉ nói: “Nó lớn rồi, không nghe lời thì chịu”.
Chính sự buông tay ấy đã khiến em tìm kiếm sự đồng cảm từ bên ngoài qua mạng xã hội, qua bạn bè lớn tuổi. Sau một thời gian, em bị lôi kéo vào một nhóm bạn xấu, rồi nghỉ học, cắt liên lạc với gia đình.
Chị Bạch Thị Hạnh, phường Bắc Gia Nghĩa chia sẻ: “Có thời điểm con gái tôi thay đổi hoàn toàn, luôn muốn khẳng định bản thân và làm theo ý mình. Vợ chồng tôi từng la mắng nhưng chỉ khiến khoảng cách thêm lớn. Khi nhận ra con đã bước vào tuổi dậy thì, chúng tôi học cách lắng nghe thay vì áp đặt. Dần dần, con mềm mỏng hơn, biết chia sẻ và tiếp nhận ý kiến. Giờ cháu đã tốt nghiệp cấp 3, nhưng trải nghiệm ấy là bài học quý để chúng tôi đồng hành tốt hơn với đứa con thứ hai”.
Theo các chuyên gia tâm lý, tuổi dậy thì là giai đoạn hình thành nhân cách và nhận thức về giới tính, giá trị bản thân. Trẻ ở độ tuổi này thường có nhu cầu khẳng định cái tôi, dễ nhạy cảm, dễ cảm thấy bị tổn thương nếu bị phán xét, so sánh. Do đó, điều trẻ cần nhất lúc này là sự đồng hành của cha mẹ, tạo niềm tin để con chia sẻ.
Không có công thức chung cho việc nuôi dạy con tuổi dậy thì. Nhưng mỗi hành trình đồng hành sẽ luôn cần sự kiên nhẫn, lắng nghe và tình yêu không điều kiện.
Nguyễn Hiền