Đừng chỉ chăm sóc, hãy thấu hiểu người cao tuổi!

Đừng chỉ chăm sóc, hãy thấu hiểu người cao tuổi!
6 giờ trướcBài gốc
Chăm sóc ông bà, bố mẹ là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình (Ảnh trưng bày tại Triển lãm “Ảnh đẹp về gia đình” do Sở VHTTDL Hải Phòng tổ chức)
Không ít người cho rằng, ở tuổi xế chiều, sức khỏe là quan trọng nhất. Nhưng thực tế lại cho thấy, với nhiều cụ ông, cụ bà, điều họ mong mỏi hơn cả là được sống dưới một mái nhà có người thân yêu bên cạnh, nơi có tiếng nói cười thân thuộc, nơi xua tan nỗi cô đơn, nơi những khoảng trống tinh thần được sưởi ấm bằng tình cảm gia đình bền chặt.
Cô đơn - nỗi sợ lớn nhất của tuổi già
Nhớ về người vợ đã khuất, cụ ông Nguyễn Thanh, 83 tuổi (phường Cầu Giấy, Hà Nội) nghẹn ngào chia sẻ: “Ở tuổi gần đất xa trời, điều tôi mong muốn chẳng phải tiền bạc, mà là được sống trọn những ngày cuối đời bên người vợ đã cùng tôi trải qua bao năm tháng gian khó. Con cái thì bận rộn công việc, chỉ có hai vợ chồng già thủ thỉ sớm hôm. Bà ấy ra đi trước khiến tôi hụt hẫng lắm. Nhớ bà là nước mắt tôi lại rơi…”.
Còn bà N.T.L. (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) mang trong lòng một nỗi mong mỏi đoàn viên: “Tôi chỉ mong gia đình con gái tôi bên Australia trở về. Tôi già rồi, chẳng còn điều gì quý hơn là được ở gần con cháu”. Dù họ vẫn về thăm mỗi năm một lần, nhưng suốt 11 tháng còn lại, bà sống lặng lẽ trong căn nhà trống vắng. “Lúc chúng nó về là quãng thời gian tôi hạnh phúc nhất, vì lúc đó tôi có gia đình, trong nhà có tiếng cười tiếng nói, có hơi ấm người thân…”, bà L. tâm sự bằng giọng buồn buồn.
Ở tuổi xế chiều, bệnh tật là điều khó tránh. Sự lão hóa khiến cơ thể yếu dần, nguy cơ đau ốm tăng lên từng ngày. Nhưng thứ khiến người già sợ nhất là cảm giác bị lãng quên. Câu chuyện của bà L. khiến người nghe không khỏi chạnh lòng. Mắc bệnh thấp khớp hơn 10 năm, bà gần như chỉ quanh quẩn trong nhà.
“Cả ngày tôi chỉ biết làm bạn với cái tivi, có khi chẳng xem nhưng cũng cứ bật lên cho có tiếng người. Vật chất con cái lo cho đầy đủ, nhưng nhiều lúc tôi chẳng còn thiết tha gì nữa, bệnh tật lại thui thủi một mình, chỉ muốn buông xuôi…”.
Tuổi già không hẳn đáng sợ vì cơ thể suy yếu, mà đáng sợ bởi những khoảng trống cứ lớn dần trong tâm hồn. Có những cụ ông, cụ bà sống giữa phố xá đông đúc mà vẫn thấy mình cô đơn, lạc lõng. Con cháu thành đạt, nhà cao cửa rộng, vật chất sung túc, nhưng lúc nào họ cũng đau đáu ngóng chờ bữa cơm quây quần đủ mọi thành viên, lời hỏi han lúc trái gió trở trời, tiếng trẻ thơ cười nói rộn rã nơi sân nhà - những điều bình dị mà thiêng liêng, chỉ có ở nơi gọi là gia đình.
Gia đình - chỗ dựa không thể thiếu của người già
Sức khỏe và tuổi thọ vẫn được xem là món quà lớn nhất của tuổi già. Nhưng với nhiều người cao tuổi, sống lâu chưa hẳn đã là sống trọn vẹn, nếu thiếu đi sự gắn kết, thiếu vòng tay yêu thương từ gia đình. Thứ họ thật sự cần không phải là vật chất đủ đầy, mà là một mái ấm có người thân kề bên, nơi mỗi khoảnh khắc trong ngày đều được sẻ chia và lắng nghe, nơi họ cảm thấy mình vẫn luôn được yêu thương.
Một xã hội tiến bộ không chỉ thể hiện qua mức sống hay tuổi thọ trung bình, mà còn qua cách ứng xử với lớp người đã bước qua bên kia sườn dốc cuộc đời - những người đã từng âm thầm cống hiến, hy sinh để nuôi dưỡng, xây đắp cho thế hệ hôm nay.
Người già không có nhu cầu gì nhiều, càng không tìm kiếm những điều to tát, họ chỉ cần hiện diện thực sự như một phần không thể thiếu của gia đình; không là người đứng ngoài cuộc sống hối hả, mà là người lưu giữ yêu thương, chắt lọc ký ức, trao truyền những giá trị sâu sắc cho con cháu.
Chăm sóc cha mẹ, ông bà khi tuổi đã xế chiều vừa là bổn phận, vừa là nền tảng văn hóa gia đình cần được gìn giữ. Đó là bài học nhân văn nhất mà mỗi đứa trẻ học được qua hành động của người lớn, chứ không qua lời dạy dỗ hay sách vở giáo điều.
Trách nhiệm yêu thương ấy không thể đợi chờ từ chính sách xã hội, càng không thể phó mặc cho thời gian. Nó bắt đầu từ mỗi thành viên trong gia đình, bằng sự quan tâm chân thành, bằng những điều tưởng như giản đơn, như một bữa “cải thiện” râm ran tiếng cười tiếng nói, một viên thuốc khi hắt hơi xổ mũi, hay chỉ là cùng ngồi xem chương trình tivi ông bà yêu thích. Những điều nhỏ bé ấy, đôi khi lại chính là điều làm nên một tuổi già bình yên và hạnh phúc.
(Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện)
THÚY HIỀN
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/gia-dinh/dung-chi-cham-soc-hay-thau-hieu-nguoi-cao-tuoi-151890.html