Đồng hành cùng doanh nghiệp bảo vệ lợi ích hợp pháp trước các vụ kiện phòng vệ thương mại

Đồng hành cùng doanh nghiệp bảo vệ lợi ích hợp pháp trước các vụ kiện phòng vệ thương mại
2 giờ trướcBài gốc
Tham dự Diễn đàn Phòng vệ thương mại có lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại, đại diện các bộ, ban, ngành ở trung ương và địa phương cùng đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội.
Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ngày càng đối mặt với nhiều vụ việc phòng vệ thương mại
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng mang tính thời đại. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện công cuộc đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm cả các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,.. và đây là nền tảng để Việt Nam mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại Diễn đàn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 17,3%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 105 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Anh Tuấn, việc mở rộng xuất khẩu là một cơ hội lớn nhưng cũng đầy thách thức đối với nền kinh tế của Việt Nam. Mặc dù thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều khởi sắc và dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn, song cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế không nhỏ chờ đón doanh nghiệp. Một trong những thách thức đó là việc các nước tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2024, đã có 265 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong đó có các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thủy sản, sắt thép, nhôm, gỗ, sợi…
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam phải đối mặt hơn 25 vụ kiện về phòng vệ thương mại, trong đó, thép hiện là ngành bị khởi kiện nhiều nhất. Về thị trường, không chỉ thị trường lớn như Hoa Kỳ, mà gần đây các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia,… đã bắt đầu có những động thái khởi kiện điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiến hành 30 cuộc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với các nhóm sản phẩm như thép, đồ gỗ, nhựa, xơ sợi, phân bón, đường, bột ngọt…
Khung cảnh Diễn đàn
Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác phòng vệ thương mại đã phát huy hiệu quả tích cực, với hàng loạt vụ kiện thành công, giúp bảo vệ hàng trăm ngàn việc làm, bảo toàn lợi ích của các ngành sản xuất chiến lược và củng cố vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này thể hiện sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia pháp lý trong việc phối hợp ứng phó với các thách thức từ thương mại quốc tế.
"Sau rất nhiều những "va chạm" với các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đã "trưởng thành" hơn rất nhiều, cụ thể, trong ngành thủy sản, có thể thấy rằng 5-6 năm gần đây khi tham gia các vụ kiện, chúng ta đã chứng minh được rằng chúng ta không bán phá giá và biên độ phá giá gần như bằng 0. Thành công của công tác phòng vệ thương mại phản ánh rõ sự chủ động và sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước. Đến nay chúng ta không còn bỡ ngỡ với các vụ việc phòng vệ thương mại nữa, mà thay vào đó là chủ động xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại." - ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong bảo vệ lợi ích hợp pháp trước các vụ kiện phòng vệ thương mại
Cục Phòng vệ thương mại luôn nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và ổn định. Tinh thần, chủ trương của Nhà nước là luôn khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát huy tối đa sức mạnh nội tại. Chính phủ đã và đang triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ, từ việc nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thiểu thủ tục hành chính, đến việc tăng cường tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, không chỉ để bảo vệ lợi ích hợp pháp trước các vụ kiện mà còn để thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp nhằm gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, Cục cũng không ngừng cải thiện hệ thống pháp lý về phòng vệ thương mại, đảm bảo các quy định luôn phù hợp với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường. Sự minh bạch và hiệu quả trong công tác phòng vệ thương mại sẽ giúp tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, nơi doanh nghiệp có thể phát huy tối đa tiềm năng và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra phiên thảo luận "Hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành sản xuất trong nước"
Ông Trịnh Anh Tuấn thông tin thêm, vừa rồi, Cục Phòng vệ thương mại cũng vừa hoàn thành việc triển khai sửa đổi, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 10/2018/NĐ-CP, đến nay đang được Bộ Tư pháp thẩm định và sẽ sớm trình lên Chính phủ, đây là cơ sở pháp lý tốt để triển khai bảo vệ ngành sản xuất trong nước một cách minh bạch và rõ ràng. Bên cạnh đó, Cục cũng tăng cường cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi hóa cho doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại cam kết tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện các công cụ phòng vệ thương mại, nâng cao năng lực điều tra và xử lý vụ kiện, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng cường sự bảo vệ cho các ngành sản xuất trong nước.
"Chúng tôi tin rằng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân liên quan, Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thương mại toàn cầu và đạt được mục tiêu phát triển bền vững." - Ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, đại diện Cục Phòng vệ thương mại đã giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp một số quy định pháp luật về phòng vệ thương mại dự kiến sẽ bổ sung, sửa đổi trong năm 2024, hướng dẫn cách thức doanh nghiệp nộp và nhận kết quả xử lý hồ sơ đối với các vụ việc phòng vệ thương mại trên môi trường điện tử, giới thiệu và hướng dẫn doanh nghiệp khai thác thông tin, dữ liệu của hệ thống cảnh báo sớm.
"Diễn đàn là cơ hội tốt để đại diện các bộ, ngành ở trung ương và địa phương cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội nhìn lại các hoạt động, công tác phòng vệ thương mại tại Việt Nam thời gian vừa qua cũng như trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình lập hồ sơ, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngành sản xuất trong nước." - Ông Trịnh Anh Tuấn kỳ vọng.
Huyền My - Kim Huệ
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/dong-hanh-cung-doanh-nghiep-bao-ve-loi-ich-hop-phap-truoc-cac-vu-kien-phong-ve-thuong-mai-128011.htm