Kiểm tra nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan vừa ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATTP với chuyên đề “Sữa chế biến; sản phẩm dinh dưỡng; thực phẩm bổ sung; thực phẩm dinh dưỡng y học; thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt”. Thời gian kiểm tra từ nay đến ngày 30/5/2025.
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, phân phối, kinh doanh thực phẩm; trong đó, tập trung vào các sản phẩm/nhóm sản phẩm: sữa chế biến; thực phẩm bổ sung; sản phẩm dinh dưỡng y học; thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt.
Sữa giả được một công ty sản xuất quảng cáo sai sự thật, vừa bị Bộ Công an triệt phá. Ảnh chụp từ màn hình.
Nội dung kiểm tra gồm: giấy chứng nhận (GCN) đăng ký kinh doanh; GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP); GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP (đối với những cơ sở thuộc diện phải có GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP).
Hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc hồ sơ tự công bố sản phẩm. Nhãn sản phẩm thực phẩm đối với sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn. Hồ sơ liên quan đến nhập khẩu thực phẩm đối với hàng nhập khẩu. Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm, kiểm nghiệm nước sử dụng trong sản xuất.
Nguồn gốc, xuất xứ, hợp đồng mua bán, hóa đơn mua vào, chứng từ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm. Tài liệu quảng cáo, hồ sơ xác nhận nội dung quảng cáo đối với những cơ sở có quảng cáo sản phẩm thực phẩm thuộc diện phải đăng ký nội dung quảng cáo; việc chấp hành các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm và nhiều hồ sơ mang tính pháp lý khác.
Đối với điều kiện đảm bảo ATTP tại cơ sở, gồm: điều kiện vệ sinh cơ sở; điều kiện trang thiết bị, dụng cụ; điều kiện về con người. Các hồ sơ pháp lý và nội dung khác theo yêu cầu của các thành viên tham gia đoàn kiểm tra.
Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra thực hiện lấy mẫu sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về chất lượng, ATTP, gửi mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tại các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định kiểm nghiệm phục vụ quản lý Nhà nước về ATTP. Việc lấy mẫu và chỉ định chỉ tiêu kiểm nghiệm do trưởng đoàn kiểm tra quyết định trên cơ sở căn cứ tình hình thực tế nguy cơ mất ATTP tại nơi được kiểm tra.
Giám đốc Sở ATTP Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, việc kiểm tra lần này nhằm siết chặt công tác quản lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh các sản phẩm sữa và dinh dưỡng được sử dụng rộng rãi cho trẻ em, người bệnh và người cao tuổi.
Chuyển Công an điều tra 4 vụ nghi kinh doanh hàng giả là thực phẩm
Liên quan đến vụ việc Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Chiều 24/4, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Quang Huy cho biết, đến nay các Đội QLTT chưa phát hiện vụ việc nào liên quan đến sản xuất hoặc buôn bán sữa giả. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và ổn định thị trường thực phẩm thiết yếu, TP đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra và giám sát thị trường.
Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Quang Huy cho biết, đến nay chưa phát hiện vụ việc nào liên quan đến sản xuất hoặc buôn bán sữa giả trên địa bàn TP.
“Chúng tôi luôn xác định kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mặt hàng sữa nói riêng và thực phẩm nói chung là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong năm 2024 và quý I/2025, Chi cục QLTT TP đã phát hiện và xử lý 7 vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng sữa, tạm giữ 2.654 hộp sữa các loại và 40kg bột sữa, tổng trị giá hơn 188 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu: kinh doanh hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc và hàng quá hạn sử dụng. Tổng số tiền xử phạt hành chính hơn 165 triệu đồng. Toàn bộ hàng hóa vi phạm đã bị tiêu hủy. Đây là những vi phạm có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, đối tượng sử dụng sữa thường xuyên. Trong đó, nhiều vụ việc lớn đã được phát hiện và xem xét xử lý vi phạm như Đội QLTT số 3 phát hiện gần 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại khu vực TP Thủ Đức với trị giá gần 4,5 tỷ đồng, đã xử phạt với số tiền là 315 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm; đặc biệt, Đội QLTT số 6 đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra 4 vụ có dấu hiệu tội phạm kinh doanh hàng giả là thực phẩm (sản phẩm đào đóng hộp)” - ông Nguyễn Quang Huy cho biết.
Tân Tiến