Các UAV được trưng bày trong sự kiện của Lầu Năm Góc, trong đó có LUCAS. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ (defense.gov)
Theo công ty truyền thông và tư vấn Defense Express có trụ sở ở Ukraine, trong bối cảnh xung đột hiện đại ngày càng chứng kiến sự lên ngôi của các loại thiết bị không người lái (UAV) giá rẻ, Mỹ đã công bố một hệ thống UAV mới mang tên Hệ thống Tấn công Chiến đấu Không người lái Giá rẻ (LUCAS). Được định vị là một phiên bản tương tự về chức năng và chi phí thấp của UAV Shahed-136 của Iran, sự ra đời của LUCAS đã đặt ra câu hỏi về chiến lược phát triển vũ khí của Lầu Năm Góc và lý do đằng sau việc "sao chép" một thiết kế từ đối thủ.
Sự trỗi dậy của vũ khí giá rẻ
Trong nhiều năm, các chương trình phát triển UAV của Mỹ thường tập trung vào những hệ thống phức tạp, công nghệ cao và đi kèm với chi phí đắt đỏ. Tuy nhiên, những cuộc xung đột gần đây, đặc biệt là việc Nga và Iran sử dụng rộng rãi các UAV giá rẻ cho các cuộc tấn công hàng loạt, đã làm nổi bật một lỗ hổng trong kho vũ khí của Mỹ: thiếu một giải pháp tấn công tầm xa hiệu quả về chi phí. Đây chính là động lực chính thúc đẩy Mỹ tìm kiếm các phương án tấn công chi phí thấp, và LUCAS ra đời như một phản ứng trực tiếp cho nhu cầu này.
UAV Shahed-136 của Iran đã chứng minh được hiệu quả đáng ngạc nhiên trong các cuộc xung đột, không phải vì công nghệ vượt trội mà vì sự đơn giản, chi phí sản xuất thấp và khả năng triển khai với số lượng lớn. Khả năng gây thiệt hại đáng kể cho các mục tiêu có giá trị cao bằng một phần nhỏ chi phí so với tên lửa hành trình truyền thống đã khiến Shahed trở thành một mối đe dọa đáng gờm. Điều này buộc các cường quốc quân sự phải xem xét lại chiến lược của mình, nhận ra rằng đôi khi, số lượng và khả năng tiếp cận lại quan trọng hơn sự tinh vi về công nghệ.
Chính trong bối cảnh đó, SpektreWorks, nhà thầu quốc phòng có trụ sở tại Arizona, đã cho ra đời LUCAS như một phần của chương trình các hệ thống đa miền tự động. Hệ thống này được giới thiệu chủ yếu như một giải pháp thay thế giá rẻ cho các hệ thống tấn công truyền thống đắt tiền. Sự tương đồng về hình thức của LUCAS với Shahed-136 không phải là ngẫu nhiên, mà là một sự thừa nhận ngầm về hiệu quả của mô hình thiết kế đơn giản, dễ sản xuất và triển khai hàng loạt.
Việc ra mắt LUCAS diễn ra trong bối cảnh chính sách UAV của Mỹ đang có sự chuyển đổi sâu rộng theo bản ghi nhớ ngày 10/7/2025 của chính quyền Trump có tiêu đề "Giải phóng sự thống trị của UAV trong quân đội Mỹ". Được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ký và được hỗ trợ bởi Sắc lệnh Hành pháp 14307, sáng kiến này nhằm mục đích tăng đáng kể tốc độ mua sắm UAV và mở rộng quy mô sản xuất các hệ thống tiêu hao.
LUCAS: Khả năng và sự khác biệt
LUCAS được thiết kế không chỉ có khả năng tấn công mà còn có thể mang theo thiết bị liên lạc và trinh sát. Điều này giúp nó trở thành một phương tiện đa năng, có thể được sử dụng trong nhiều nhiệm vụ khác nhau, thậm chí là làm mục tiêu bay không người lái trong quá trình huấn luyện.
Một trong những điểm nổi bật của LUCAS là khả năng triển khai linh hoạt. Nó có nhiều cấu hình phóng, triển khai trên xe tải và cất cánh bằng tên lửa hỗ trợ (RATO), tăng cường tính linh hoạt cho các hoạt trên động thực địa một cách nhanh chóng mà không cần cơ sở hạ tầng chuyên dụng hoặc đào tạo nhân sự chuyên môn cao. Điều này đặc biệt quan trọng trong các tình huống chiến đấu đòi hỏi phản ứng nhanh và khả năng thích ứng cao.
Điểm độc đáo của LUCAS so với nhiều chương trình UAV khác của Lầu Năm Góc nằm ở khả năng hoạt động như một trạm chuyển tiếp truyền thông trong Hệ thống Thông tin liên lạc không người lái Đa miền (MUSIC). Tính năng này cho phép LUCAS duy trì liên kết tín hiệu và kiểm soát các UAV khác trong môi trường cạnh tranh, nơi các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương có thể gây nhiễu.
LUCAS được cho là đã vượt qua quá trình thử nghiệm và sẵn sàng đưa vào sản xuất. Đây là một điểm đáng chú ý khi xét đến nhiều vấn đề mà các chương trình UAV khác của Mỹ thường gặp phải, bao gồm sự chậm trễ do thủ tục hành chính và hiệu suất kém trước các hệ thống tác chiến điện tử. Sự phát triển nhanh chóng và khả năng sẵn sàng sản xuất của LUCAS cho thấy một cách tiếp cận mới, tập trung vào hiệu quả và tính khả thi trong thực chiến.
Với tình trạng thiếu hụt tên lửa hiện tại, việc thử nghiệm LUCAS trên chiến trường thực tế có lẽ sẽ không còn xa vời. Sự ra đời của LUCAS cho thấy Mỹ đang nghiêm túc xem xét lại chiến lược phát triển vũ khí của mình, hướng tới các giải pháp linh hoạt, hiệu quả về chi phí và có khả năng triển khai hàng loạt. Dù có thể không mang vẻ "hào nhoáng" của các siêu vũ khí công nghệ cao, những vũ khí như LUCAS có thể đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột tương lai, nơi khả năng thích ứng và chi phí thấp sẽ là những yếu tố then chốt quyết định thành bại.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc