Khác với các loại UAV truyền thống sử dụng sóng vô tuyến dễ bị gây nhiễu và đánh chặn, UAV sợi quang của Ukraine gần như miễn nhiễm với tác chiến điện tử.
REBOFF của 3DTech là một UAV góc nhìn thứ nhất sợi quang không bị nhiễu với phạm vi 20 km. (Nguồn: 3DTech)
Chúng có thể luồn sâu vào những nơi tín hiệu radio bất lực, từ hầm ngầm, đường hầm đến các chiến hào. Điều đáng chú ý nhất: công nghệ này không phải do Ukraine phát minh đầu tiên, nhưng họ đang làm chủ nó nhanh hơn bất kỳ ai.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Giám đốc điều hành công ty quốc phòng 3DTech Oleksiy Zhulinskiy đã tiết lộ hành trình ngoạn mục giúp Ukraine biến UAV sợi quang từ công nghệ mới lạ thành vũ khí nguy hiểm, thậm chí đang vượt mặt cả Nga về chất lượng và tầm hoạt động.
Ông Zhulinskiy cho biết, cảm hứng bắt đầu từ chính những chiếc UAV sợi quang đầu tiên của Nga xuất hiện vào đầu năm 2024. Dù ban đầu bị nghi ngờ là không thể hoạt động ổn định trong môi trường chiến đấu khắc nghiệt, chúng nhanh chóng chứng minh hiệu quả cao trên thực địa. Không lâu sau đó, Ukraine thu giữ được một số nguyên mẫu và bắt đầu phân tích, cải tiến.
"Các nguyên mẫu của đối phương mà chúng tôi thu được trong mùa hè năm 2024 là bước khởi đầu quan trọng. Nhưng thay vì sao chép, chúng tôi chọn cách nâng cấp toàn diện", ông Zhulinskiy chia sẻ.
Thay vì sử dụng khung nhôm nặng như của Nga, 3DTech áp dụng khung carbon nhẹ để tiết kiệm trọng lượng, yếu tố cực kỳ quan trọng vì UAV sợi quang phải mang theo cả cuộn dây dài hàng chục kilomet. Sự phân bố trọng lượng cũng được tính toán kỹ lưỡng, vì khối lượng của UAV sẽ thay đổi liên tục khi dây được nhả ra trong lúc bay.
Không chỉ phần khung, cuộn dây sợi quang, linh kiện quan trọng bậc nhất, cũng được 3DTech cải tiến. Ban đầu, công ty sử dụng cuộn cáp thương mại từ Trung Quốc, nhưng sau nhiều báo cáo cho thấy dây đứt bất thường khi bay, họ bắt đầu nghi ngờ có yếu tố phá hoại. "Chúng tôi không thể xác nhận chắc chắn, nhưng có dấu hiệu cho thấy một số cuộn dây có thể bị can thiệp có chủ đích", Zhulinskiy nói.
Để loại bỏ rủi ro, 3DTech quyết định tự sản xuất cuộn dây: thiết kế khí động học hơn, rãnh dẫn sợi có đầu kim loại đánh bóng để giảm ma sát và chống tích điện.
Loại sợi mà 3DTech sử dụng hiện nay là sợi quang nhẹ 0,25mm (loại G657A2), thay thế cho loại 0,5mm nặng hơn. Dù nhỏ hơn, loại sợi này có độ bền cao và độ linh hoạt tốt hơn, giúp UAV dễ di chuyển trong không gian hẹp. "Chúng tôi vẫn phải nhập khẩu sợi thô, nhưng dây chuyền quấn sợi và sản xuất vỏ cuộn đều đã được nội địa hóa. Việc đa dạng hóa nguồn cung đang được xúc tiến để tránh phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào", ông Zhulinskiy nhấn mạnh.
Những cải tiến kỹ thuật còn mở rộng đến cả bộ điều khiển mặt đất và camera. Nhờ cáp quang có băng thông cao, hình ảnh truyền về có thể đạt độ phân giải lớn hơn, giúp phi công dễ dàng quan sát mục tiêu từ xa, thậm chí phát hiện các chi tiết nhỏ như lưới chống UAV.
Một trong những lợi thế chiến thuật lớn nhất của UAV sợi quang là khả năng hoạt động trong môi trường mà sóng vô tuyến không thể vươn tới. "UAV điều khiển bằng sóng radio không thể bay quá thấp vì sẽ mất tín hiệu, nhưng UAV sợi quang lại hoàn toàn không bị giới hạn đó. Chúng có thể luồn lách qua các hẻm sâu, xuống chiến hào, đi qua rừng rậm, hoặc chui vào boongke", ông Zhulinskiy cho biết. Trên chiến trường, điều này mở ra khả năng phục kích hiệu quả ở tầm gần và trung, đặc biệt là tấn công vào các tuyến hậu cần, vốn là mạch sống của bất kỳ cuộc chiến nào.
Nếu như UAV sợi quang đời đầu chỉ bay được dưới 10km, thì hiện nay, nhiều mẫu đã đạt tới 20km. 3DTech thậm chí đang phát triển các mẫu UAV có thể vươn xa tới 30–40km, thế nhưng việc tăng tầm bay không đơn giản.
Ngoài việc cần loại sợi tốt hơn và dài hơn, UAV còn phải tối ưu pin, động cơ và cánh quạt để tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, không phải tất cả bộ chuyển đổi tín hiệu đều có thể truyền dữ liệu hiệu quả ở khoảng cách như vậy. Đây là thách thức lớn về kỹ thuật mà 3DTech đang tích cực giải quyết.
Một rào cản khác là… thủ tục hành chính. Vì đây là công nghệ quá mới, không có tiêu chuẩn thử nghiệm cụ thể, nên việc chứng nhận UAV sợi quang cũng gặp khó khăn. Từ cuối năm 2025, 3DTech sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng Ukraine để xây dựng các quy trình thử nghiệm, mã hóa và chứng nhận chính thức. Tính đến nay, công ty đã có 5 mẫu UAV được NATO mã hóa có tầm bắn 10–20km, 2 mẫu khác có thể đạt tới 30km đang chờ xác nhận.
Dù công nghệ đã sẵn sàng, thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là sản xuất quy mô lớn. "Chúng tôi đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 10.000 UAV mỗi tháng. Chúng tôi muốn những vũ khí này trở nên rẻ, hiệu quả và đủ nhiều để sử dụng trong mọi nhiệm vụ", ông Zhulinskiy khẳng định.
Theo Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine, hiện có 15 công ty trong nước đang sản xuất UAV sợi quang, cùng hơn 20 công ty cung ứng linh kiện. Chính phủ Ukraine cũng đã ban hành luật giảm thuế cho các linh kiện UAV sợi quang, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tăng tốc.
Xuân Minh