Động lực cho tăng trưởng xuất khẩu thủy sản

Động lực cho tăng trưởng xuất khẩu thủy sản
19 giờ trướcBài gốc
Động lực cho tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đến từ việc đẩy mạnh liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: ST
Điểm sáng nhiều, thách thức không ít…
Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường - NNMT), kim ngạch xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 đạt 2,29 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2024 và tăng mạnh ở các nhóm hàng chủ lực. Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ là 3 thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 21,7%, 15,6% và 15,1%. Dù nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ - các thị trường lớn của Việt Nam có dấu hiệu chững lại đà tăng, song các thị trường khác như châu Âu và một số khu vực mới nổi đã bù đắp khoảng trống, giúp sản lượng thủy sản xuất khẩu tiếp tục duy trì ổn định…
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đón nhận những thông tin tích cực khác, tạo thêm trợ lực cho sự bứt phá tăng trưởng của ngành theo mục tiêu đặt ra. Thông tin cụ thể, ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - cho biết, số lượng lô hàng thủy sản bị cảnh báo dư lượng kháng sinh tính đến nay đã giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024, các đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm đến từ các quốc gia đã đưa ra giá tích cực với sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Đặc biệt, trong khi thuế quan đang đặt ra thách thức đối với các thủy sản Trung Quốc vào Mỹ, thì đây lại là cơ hội cho thủy sản Việt Nam khi nhà nhập khẩu Mỹ tìm kiếm nguồn cung thay thế có giá cả cạnh tranh hơn. “Khi đó, tôm và cá tra Việt Nam nói riêng và thủy sản nói chung được đánh giá có cơ hội để gia tăng xuất khẩu” - ông Anh thông tin.
Với đà tăng trưởng hiện tại, cùng sự hỗ trợ từ các hoạt động xúc tiến thương mại của Chính phủ, các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao trình độ chế biến sâu, đây là cơ sở để xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2025 khi tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ NNMT Phùng Đức Tiến
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức nhất định. Trong đó, nổi lên là tình trạng thiếu nguồn cung nguyên liệu. Sản phẩm thủy sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với Ecuador và Ấn Độ hay các rào cản pháp lý từ thị trường. Với thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, quốc gia này chính thức thực thi các quy định của Luật Bảo vệ thú biển (MMPA), không công nhận tương đồng các biện pháp quản lý và bảo tồn thú biển của Việt Nam đối với 12 nghề khai thác hải sản. Điều đó đồng nghĩa với việc các mặt hàng này sẽ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ - thị trường quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu thủy hải sản đạt 1,8 tỷ USD năm 2024. Bởi vậy “bất cứ quy định bất lợi nào của thị trường Mỹ sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu hải sản của Việt Nam, cũng như uy tín của ngành hàng”, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết; đồng thời nhấn mạnh để tháo gỡ vấn đề này, cần phải có thời gian, cũng như nguồn lực với sự chung tay vào cuộc của các cơ quan, doanh nghiệp.
Biến nguy thành cơ…
Để tận dụng được lợi thế, biến nguy thành cơ, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản vẫn còn nhiều việc phải làm… Trên cơ sở nhận diện rõ các thách thức đặt ra với ngành thủy sản, tại buổi làm việc với các đơn vị trong lĩnh vực thủy sản, Thứ trưởng Bộ NNMT Phùng Đức Tiến lưu ý, các đơn vị cần nhanh chóng rà soát, tham mưu hoàn thiện ngay các văn bản quy phạm pháp luật; quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhất là cho nuôi biển; nhận diện, có giải pháp ứng phó kịp thời với các rào cản đối với xuất khẩu thủy sản. Trong đó, đối với thị trường Mỹ, “giải quyết ngay vấn đề về MMPA” là nhiệm vụ hàng đầu, cần làm ngay của toàn ngành thủy sản để tránh những hệ lụy đáng tiếc.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký VASEP kiến nghị, Bộ NNMT cần phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương ưu tiên việc rà soát hồ sơ đăng ký tương đương đối với các nghề khai thác hải sản cũng như có cam kết phù hợp về hoàn thiện hệ thống quy định bảo vệ thú biển theo MMPA; bổ sung đầy đủ, kịp thời các thông tin theo yêu cầu của Hoa Kỳ, đồng thời thuê tư vấn là chuyên gia từ Hoa Kỳ để hỗ trợ thực hiện hiệu quả việc đàm phán với Mỹ liên quan đến MMPA.
Ngoài việc đảm bảo đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường truyền thống, đại diện VASEP cũng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục quan tâm hơn đến việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về ngành công nghiệp Halal để tiếp cận tốt hơn đối với thị trường hàng tỷ người Hồi giáo, trong đó có những thị trường thuận lợi về mặt địa lý như Indonesia, Malaysia, Pakistan, Bangladesh..., nơi có nhu cầu sử dụng thực phẩm Halal với số lượng lớn.
Trong khi cuộc chiến thuế quan đang mang lại những cơ hội nhất định cho thủy sản Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, ngành thủy sản cần đảm bảo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu, trong đó lưu ý giảm khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản. Bởi, theo Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân, điều này không chỉ giúp bảo vệ nguồn thủy sản tự nhiên trước nguy cơ cạn kiệt mà còn nhằm nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu và phát triển bền vững ngành thủy sản. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung vào chế biến sâu, nâng giá trị gia tăng của ngành hàng; đặc biệt là chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi theo hướng quy mô hơn, chất lượng hơn, trước mắt áp dụng với những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng nuôi trồng theo hướng công nghiệp.
Có thể nói, cơ hội, thách thức đan xen đòi hỏi ngành thủy sản phải nỗ lực đổi mới hơn nữa, đặc biệt là phải chấp hành tốt các yêu cầu của thị trường; đồng thời linh hoạt trong đàm phán, trao đổi để tận dụng thời cơ củng cố, mở rộng thị trường. Chỉ khi thực hiện tốt các giải pháp này, ngành thủy sản Việt Nam mới có thể hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu năm 2025, cũng như mơ về mục tiêu xa hơn./.
N.LỘC
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/dong-luc-cho-tang-truong-xuat-khau-thuy-san-39217.html