Động lực mới để TP. Hồ Chí Minh bứt phá, vươn xa

Động lực mới để TP. Hồ Chí Minh bứt phá, vươn xa
một ngày trướcBài gốc
Lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo chính quyền TP. Hồ Chí Minh trong ngày công bố kế hoạch triển khai trung tâm tài chính. Ảnh Việt Dũng
"Quà lì xì" đầu năm giá trị
Tin vui thứ nhất, đó là việc công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc công bố quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng để các nhà đầu tư, đối tác có cơ sở nghiên cứu, thúc đẩy và mở rộng đầu tư.
Huy động nguồn vốn lớn cho phát triển
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam cần nguồn vốn lớn cho phát triển. Hiện, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm tỷ trọng từ 33 - 35% GDP, nên nếu muốn đạt tăng trưởng hai con số thì tỷ trọng này phải tăng lên 40 - 45% GDP; với nguồn vốn đầu tư khoảng 4 - 5 triệu tỷ đồng/năm, đặc biệt là đầu tư cho hạ tầng chiến lược. Do đó, việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có ý nghĩa rất quan trọng.
Quy hoạch đã xác định rõ các quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, chính sách ưu đãi và nguồn lực thực hiện trong thời gian tới. Điều quan trọng là tổ chức thực hiện quy hoạch để biến tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của TP. Hồ Chí Minh thành của cải vật chất, mọi người dân cùng tham gia thực hiện quy hoạch và thụ hưởng thành quả để có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, Quy hoạch thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, với tư duy, cách tiếp cận, phương pháp luận phù hợp và quyết tâm lớn để giải quyết các vấn đề của thành phố. TP. Hồ Chí Minh phải phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng để mọi người dân, nhà đầu tư, nắm rõ, ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng thành quả của việc thực hiện quy hoạch. Chính phủ luôn sát cánh, đồng hành cùng TP. Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển.
Thực tế cho thấy, quyết định phê duyệt Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 rất thiết thực và có ý nghĩa với địa phương trong đường hướng phát triển. Chính vì thế mà ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ví von quyết định đã đem lại niềm vui lớn, như là "món quà lì xì" có giá trị nhất từ trước đến nay mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng cho địa phương nhân dịp đầu năm mới.
Bệ phóng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
Một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn
Cùng với việc công bố quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Trung ương cũng đẩy nhanh việc xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế cho TP. Hồ Chí Minh (và TP. Đà Nẵng). Theo Kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam của Chính phủ vừa được công bố, 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được phân công cho 12 bộ, ngành và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện nền tảng phát triển các TTTC.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch này đánh dấu bước quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển đất nước; bởi tạo "cú hích" và động lực mới thúc đẩy phát triển không chỉ đối với TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng mà còn đối với cả nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc. Do đó, các bộ, ngành, cơ quan trung ương cần chủ động phối hợp với các bên liên quan để sớm hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phát triển TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Trên thực tế, TP. Hồ Chí Minh đã có bước chuẩn bị cho việc thành lập TTTC từ rất sớm. Theo chia sẻ của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, thành phố đã thực hiện nhiều đề án, công trình nghiên cứu kết hợp với các kế hoạch học tập, công tác từ các nước, các chuyên gia, nhà quản lý tại nhiều trung tâm lớn trên thế giới. Cùng với đó là tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến và lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế. Công ty Đầu tư tài chính TP. Hồ Chí Minh được giao làm đầu mối chịu trách nhiệm theo dõi, triển khai, tham mưu và phối hợp với các cơ quan của trung ương.
''Việc thành lập TTTC sẽ là động lực mới để thành phố tăng tốc phát triển, bứt phá, góp phần tạo nên sự tăng trưởng; là cơ hội để thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế hơn, tăng nguồn vốn FDI hơn vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm… TP. Hồ Chí Minh cam kết không chỉ xây dựng một TTTC quốc tế mà còn xây dựng một niềm tin, tương lai và thịnh vượng" - ông Nên khẳng định.
Điểm kết nối thị trường tài chính toàn cầu
Trong quá trình xây dựng, hình thành các trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế ở Việt Nam, lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đóng vai trò quan trọng. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc xây dựng, củng cố và phát huy các lợi thế cạnh tranh để hình thành TTTC khu vực, hướng đến TTTC quốc tế đặt ra nhiều thách thức nhưng nếu thành công, sẽ giúp Việt Nam kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy thị trường tài chính hiệu quả.
Muốn vậy, cần nhận diện các thách thức như sự cạnh trạnh gay gắt của các TTTC đã thành lập lâu đời và khẳng định vị thế như: Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải (Trung Quốc); những khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao, hiểu biết về lĩnh vực tài chính, tiền tệ để làm việc tại TTTC; hay việc phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ cao đủ khả năng đáp ứng yêu cầu hoạt động của TTTC... Trong đó, việc bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ quốc gia luôn là ưu tiên hàng đầu.
Đỗ Doãn
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dong-luc-moi-de-tp-ho-chi-minh-but-pha-vuon-xa-168834.html