Khu vực dịch vụ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Cao Bằng
Trong cơ cấu đóng góp vào mức tăng trưởng chung của Cao Bằng, khu vực dịch vụ tiếp tục là trụ cột chính với tốc độ tăng 7,18%, đóng góp tới 4,18 điểm phần trăm.
Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,24%, đóng góp 1,22 điểm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,58%, đóng góp 0,96 điểm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm.
Tỷ trọng các khu vực trong GRDP cũng phản ánh rõ xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Dịch vụ chiếm tới 56,01% tổng GRDP; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,64%; công nghiệp - xây dựng chiếm 19,47%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,88%.
Một số chỉ tiêu kinh tế khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.626,56 tỷ đồng, tăng 12,43%. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt gần 4.737 tỷ đồng, tăng 25,32%.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp vẫn gặp khó khăn khi chỉ số sản xuất toàn ngành chỉ tăng 2,34%, trong đó ngành chế biến - chế tạo giảm mạnh 7,31%, chủ yếu do sản xuất kim loại giảm 16,34%.
Tỉnh Cao Bằng đang tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Bà Phạm Thị Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian tới, định hướng, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm của tỉnh là tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tỉnh sẽ tăng tốc thi công và giải ngân các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình trọng điểm được xác định là động lực tăng trưởng năm 2025, nhằm sớm đưa vốn vào nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng chung.
Quốc Tuân