100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam chiếm đến 25% GDP của cả nền kinh tế.Ảnh: Trong xưởng sản xuất của Tập đoàn Thiên Long tại TPHCM.
Các chỉ tiêu tăng trưởng được đặt ra rất cụ thể
Theo phương pháp chi tiêu, GDP được đóng góp bởi các yếu tố: tiêu dùng (C), đầu tư (I), chi tiêu Chính phủ (G) và thương mại ròng (X-M). Theo ước tính, tiêu dùng đóng góp khoảng 50-55%, đầu tư khoảng 30-35%, chi tiêu Chính phủ khoảng 10%, và thương mại ròng khoảng 5%. Như vậy, để thúc đẩy tăng trưởng GDP, Chính phủ cần tập trung mạnh vào thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư, đồng thời tăng cường hoạt động thương mại.
Theo kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 cần tăng khoảng 12% trở lên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt ít nhất 174 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 15%, tương đương 33,5% GDP. Trong đó, đầu tư công dự kiến đạt 36 tỉ đô la (875.000 tỉ đồng, cao hơn 84.300 tỉ đồng so với kế hoạch năm 2025), đầu tư tư nhân khoảng 96 tỉ đô la, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 28 tỉ đô la và đầu tư khác khoảng 14 tỉ đô la. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 cũng cần tăng 12% trở lên, với thặng dư thương mại khoảng 30 tỉ đô la.
Chính phủ cũng đã giao chỉ tiêu tăng trưởng cho từng địa phương, trong đó có 18 địa phương được kỳ vọng tăng trưởng từ 10% trở lên, và không có địa phương nào tăng trưởng dưới 8%.
Kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng
Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp hơn 45% GDP cả nước, một phần ba thu ngân sách nhà nước, hơn 56% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước, chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn chậm. Trong tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2024 (3.692.100 tỉ đồng, tương đương 151 tỉ đô la), khu vực nhà nước đạt 1.019.340 tỉ đồng (42 tỉ đô la), chiếm 27,6%, tăng 6,9% so với năm trước. Khu vực tư nhân đạt 2.064.200 tỉ đồng (85 tỉ đô la), chiếm 55,9%, tăng 7,5%. Khu vực FDI đạt 608.600 tỉ đồng (25 tỉ đô la), tăng 10,6%. Dù chiếm tỷ trọng lớn nhất, tăng trưởng của khu vực tư nhân hiện nay vẫn còn thấp so với mức trung bình 15% của giai đoạn năm năm trước dịch Covid-19.
Kể từ sau đại dịch Covid-19, kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tăng trưởng đầu tư trung bình chỉ đạt 5,5%/năm trong giai đoạn 2020-2024, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động gia tăng. Năm 2024, có khoảng 157.000 doanh nghiệp thành lập mới và 76.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nhưng gần 200.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động gần bằng số lượng doanh nghiệp mới và quay trở lại. Nguyên nhân có thể là do có rất nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoạt động tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng thấp và bất động sản, dễ bị đào thải khi kinh tế không thuận lợi.
Với vai trò quan trọng, kinh tế tư nhân được xác định là trụ cột của tăng trưởng, và phát triển kinh tế tư nhân là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ngoài ra, Chính phủ cũng đặt mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân, phấn đấu đến năm 2025, khu vực này đóng góp 55% GDP. Để đạt được điều này, cần sự nỗ lực từ cả phía Nhà nước và doanh nghiệp:
Về phía Nhà nước: Cần cải cách thể chế sâu rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, cần giải quyết các vấn đề pháp lý, giảm thủ tục hành chính, và kịp thời sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tiễn.
Về phía doanh nghiệp: Cần có tư duy toàn cầu, tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao, và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cần xác định lại mô hình tăng trưởng mới để bứt phá
Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở kinh tế cao nhất thế giới, với tỷ lệ kim ngạch thương mại/GDP lên đến 165%. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu đang diễn ra, Việt Nam cần xác định rõ về mặt chiến lược, xem liệu cuộc chiến thương mại này chỉ nhằm điều chỉnh dòng chảy thương mại trong ngắn hạn hay thế giới đã bước vào giai đoạn tăng trưởng mới theo mô hình phi thương mại hóa và từ đó cấu trúc lại tăng trưởng hợp lý để tránh các cú sốc trong tương lai.
Nhìn nhận thực tế, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, Việt Nam đang có xu hướng tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng, bao gồm giao thông và năng lượng, đồng thời phát triển các ngành có giá trị thặng dư cao để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Một yếu tố không thể thiếu trong thúc đẩy tăng trưởng GDP nhanh là tiêu dùng. Để thúc đẩy tiêu dùng, cần thực hiện nhiều chính sách đồng bộ, bao gồm các chính sách kích cầu, phát triển du lịch, và quan trọng hơn cả là nâng cao thu nhập người dân thông qua việc phát triển các trụ cột khác của GDP như đầu tư và xuất khẩu.
Nhìn chung, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong bối cảnh yếu tố bên ngoài bất định, Chính phủ đã và đang xác định rõ, chủ động thúc đẩy đầu tư trong nước, kích thích tiêu dùng nội địa, đồng thời cố gắng duy trì ổn định thương mại để đảm bảo sự phát triển cân bằng và bền vững.
Lão Trịnh