Động lực tăng trưởng quí 3 và thách thức trong giai đoạn tới

Động lực tăng trưởng quí 3 và thách thức trong giai đoạn tới
2 giờ trướcBài gốc
Công nghiệp và xây dựng phục hồi mạnh
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quí 3-2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,33% của quí 3-2023 so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kết quả khá bất ngờ, khi cơn bão Yagi đã gây thiệt hại không nhỏ tại một số tỉnh, thành phía Bắc trong tháng 9 vừa qua, đặc biệt là ở lĩnh vực nông nghiệp.
Kết quả tăng trưởng mạnh mẽ của quí 3 kéo tăng trưởng chín tháng đầu năm lên 6,82%, gấp 1,55 lần mức tăng trưởng 4,4% của cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh nhất là 8,19%, đóng góp 46,22% vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ dù tăng trưởng thấp hơn là 6,95% nhưng vẫn có tỷ trọng đóng góp lớn nhất ở mức 48,41%; cuối cùng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 3,2% và đóng góp 5,37%. Nếu nhìn lại kết quả chín tháng cùng kỳ năm 2023, với khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 2,41% và đóng góp 22,27% vào mức tăng trưởng chung, có thể thấy khu vực này đang phục hồi mạnh mẽ.
Động lực chính trong tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng trong chín tháng qua vẫn đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tốc độ tăng 9,76%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm. Trong đó một số ngành tăng trưởng mạnh như dệt tăng gần 12,8%; sản xuất trang phục tăng 9,9%; sản xuất giày dép tăng 15,2%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 8,4%... Đây đều là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, cho thấy tương thích với xu hướng phục hồi của đơn hàng xuất khẩu trong những tháng qua.
Ngành xây dựng tăng 7,48%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm. Tốc độ tăng mạnh ở một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm trước thực tế cũng đã chứng minh điều này, với sản phẩm thép thanh, thép góc tăng 26,7% và thép cán tăng 16,8%, cho thấy nhu cầu xây dựng đang phục hồi trước tín hiệu ấm trở lại của thị trường bất động sản, cũng như trước xu hướng giá thép đã tạo đáy và liên tục đi lên trong thời gian qua và nhu cầu xuất khẩu thép cũng đang tăng mạnh.
Khi động lực đầu tư tư nhân dần tăng trở lại
Trong chín tháng qua, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt gần 2,42 triệu tỉ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực ngoài nhà nước tăng 7,1% và vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất là 55%; khu vực nhà nước chỉ tăng 4,1%, chiếm 28% và khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 10,7%, chiếm 17%.
Dòng vốn FDI vẫn tăng trưởng tích cực, với tổng vốn đăng ký chín tháng đầu năm đạt 24,78 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,6% và tổng vốn thực hiện đạt 17,34 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,9% so với cùng kỳ, giúp khu vực FDI luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ba khu vực suốt từ đầu năm đến nay, bù đắp phần nào cho sự tăng trưởng chậm hơn ở khu vực nhà nước và khu vực tư nhân.
Là một nền kinh tế có độ mở lớn, bất kỳ sự suy yếu nào trong thương mại quốc tế cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam. Thực tế những năm gần đây cũng đã cho thấy các hoạt động xuất, nhập khẩu và nhóm doanh nghiệp FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trường hợp giá dầu leo thang cũng sẽ tác động tiêu cực lên tăng trưởng, khi đây là nguồn nhiên liệu quan trọng đầu vào cho nhiều hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là dòng vốn đầu tư ở khu vực tư nhân cũng đang cho những tín hiệu tích cực hơn. Nếu như quí 1 năm nay khu vực này chỉ tăng 4,2% (thấp hơn cả mức tăng 4,9% của khu vực nhà nước) thì hết quí 2 đã tăng lên 6,7% và hết quí 3 tăng lên 7,1%. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức tăng 2,3% của kỳ chín tháng đầu năm 2023.
Trước triển vọng tích cực của nền kinh tế, đơn hàng xuất khẩu được nối trở lại, điều kiện sản xuất kinh doanh thể hiện qua chỉ số quản trị nhà mua hàng ở lĩnh vực sản xuất được mở rộng trong những tháng qua…, các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư hơn. Dữ liệu thống kê cho thấy chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong chín tháng qua tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,6%).
Ngoài ra, khả năng tiếp cận tín dụng cũng được cải thiện, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế cập nhật đến ngày 30-9 đã tăng 9% so với đầu năm 2024, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,95% của cùng kỳ năm 2023. Các doanh nghiệp có điều kiện vay vốn mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay được giữ ổn định ở mức thấp.
Tính đến tháng 8-2024, lãi suất cho vay đã giảm hơn một điểm phần trăm so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân bằng tiền đồng của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,8-9,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng tiền đồng đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Thách thức đặt ra
Một trong những thách thức lớn nhất cho tình hình tăng trưởng kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong giai đoạn tới là những bất ổn về tình hình địa chính trị trên toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông, với nguy cơ Iran và Israel đối đầu quân sự trực tiếp. Cuộc chiến khi đó nếu tiếp tục lan rộng không chỉ đẩy giá dầu leo thang mà còn có thể gây tắc nghẽn, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Là một nền kinh tế có độ mở lớn, bất kỳ sự suy yếu nào trong thương mại quốc tế cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam. Thực tế những năm gần đây cũng đã cho thấy các hoạt động xuất, nhập khẩu và nhóm doanh nghiệp FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trường hợp giá dầu leo thang sẽ tác động tiêu cực lên tăng trưởng, khi đây là nguồn nhiên liệu quan trọng đầu vào cho nhiều hoạt động sản xuất.
Trong tuần trước, giá dầu Brent đã tăng hơn 8%, trong khi giá dầu WTI tăng hơn 9%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất trong hơn một năm qua, sau khi Iran bắn hơn 180 tên lửa vào Israel ngày 1-10, đưa đến nguy cơ Israel trả đũa nhắm vào các mỏ dầu của Iran. Theo dự báo của Goldman Sachs, nếu nguồn cung dầu từ Iran bị gián đoạn hai triệu hoặc một triệu thùng mỗi ngày, giá dầu Brent có thể đạt đỉnh ở mức 90 đô la Mỹ/thùng.
Trong khi đó, các chính sách của Việt Nam vẫn đang có những hạn chế nhất định. Trong khi dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, chính sách tài khóa lại chưa thể phát huy hết hiệu quả, mà sự tăng trưởng chậm chạp ở dòng vốn đầu tư khu vực nhà nước trong chín tháng qua là minh chứng cụ thể. Nhiều địa phương, các dự án đầu tư công trọng điểm vẫn có tiến độ giải ngân trì trệ.
Cụ thể, trong vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong chín tháng qua ước đạt 428.100 tỉ đồng, bằng 55,7% kế hoạch năm và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 bằng 57,3% kế hoạch và tăng 24,7%). Ngay cả đầu tàu kinh tế cả nước là TPHCM, chín tháng đầu năm nay chỉ giải ngân đầu tư công được hơn 15.800 tỉ đồng, đạt 20% chỉ tiêu trong khi kế hoạch đặt ra hết quí 3 phải đạt hơn 70% chỉ tiêu.
Tuệ Nhiên
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/dong-luc-tang-truong-qui-3-va-thach-thuc-trong-giai-doan-toi/