Động lực và đột phá mới

Động lực và đột phá mới
2 giờ trướcBài gốc
Ảnh: minh họa
Việt Nam hiện đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành CNBD và đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Theo Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI), thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023-2028.
Các chuyên gia nhận định, trước diễn biến phức tạp về địa chính trị thế giới, Việt Nam đang có lợi thế lớn là quốc gia có nền chính trị ổn định, kinh tế số tăng trưởng liên tục trong nhiều năm, với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và đam mê sáng tạo... để trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.
Đặc biệt, Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển ngành CNBD khi có trữ lượng đất hiếm đứng thứ 2 thế giới, đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, công nghệ hóa chất, bán dẫn...
Cùng với những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn, Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia có số lượng sinh viên tốt nghiệp kỹ sư cao nhất trên thế giới, với hơn 40% sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành khoa học và kỹ thuật có kiến thức kỹ thuật cao gia nhập vào nguồn lao động khoa học, công nghệ. Dự kiến đến năm 2030, có thêm 50.000 kỹ sư bán dẫn phục vụ ngành CNBD.
Tuy nhiên, việc Việt Nam chỉ đứng thứ 71/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 cùng những hạn chế về cơ sở hạ tầng và logistics chính là những điểm nghẽn để hỗ trợ ngành CNBD. Trong khi đó, các quy định và thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại Việt Nam đôi khi còn rườm rà và thiếu minh bạch, làm tăng chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp.
Nhận thức rõ về cơ hội và thách thức, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển ngành CNBD đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030 và trung tâm về CNBD và điện tử toàn cầu vào năm 2040. Mục tiêu của Việt Nam không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái CNBD tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới, giúp Việt Nam tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này.
Các chuyên gia khuyến nghị, để thực hiện được mục tiêu của Đề án, Chính phủ cần đặc biệt ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho ngành CNBD phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam và xu hướng thế giới; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia đào tạo, tuyển dụng nhân sự chất lượng cao trong ngành CNBD.
Đồng thời có cơ chế chính sách, giải pháp đột phá, tạo thuận lợi để ngành CNBD phát triển, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế bền vững và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tham gia vào chuỗi giá trị CNBD.
Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước là yếu tố quan trọng cho sự thành công của ngành CNBD. Nhà nước xem xét đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc phạm vi Đề án, khuyến khích các hình thức hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng quỹ học bổng, đầu tư trang thiết bị, hạ tầng cần thiết, các trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp vi mạch bán dẫn tại các viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, trường đại học đào tạo ngành CNBD.
Thiết nghĩ, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị thực hiện thành công Đề án, ngành CNBD sẽ trở thành động lực và đột phá mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường và thịnh vượng.
Thanh Thảo
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/dong-luc-va-dot-pha-moi-post483486.html