Lục Nam: Nâng giá trị sản phẩm OCOP

Lục Nam: Nâng giá trị sản phẩm OCOP
3 giờ trướcBài gốc
Rộng đường tiêu thụ
Về xã Đông Hưng chúng tôi được nghe nhiều người nhắc đến anh Ong Thế Dũng (SN 1994), Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo Trường Thọ - người thành công với dự án nuôi đông trùng hạ thảo.
Anh Ong Thế Dũng (đứng ngoài) đưa sản phẩm đông trùng hạ thảo khô đóng lọ tham gia giới thiệu, quảng bá tại một hội thảo về khoa học và công nghệ được tổ chức tại Bắc Giang.
Gần 10 năm trước, anh Dũng biết đến sản phẩm này từ một bác sĩ rồi dành thời gian tìm hiểu. Năm 2017, anh quyết định nghỉ làm tại một doanh nghiệp máy tính ở TP Hà Nội về quê khởi nghiệp. Một năm sau, anh mở rộng diện tích nhà xưởng lên hơn 300 m2 (gấp 5 lần trước đó) rồi thành lập Công ty TNHH Dược thảo Trường Thọ.
Anh đầu tư máy móc hiện đại để chế biến, đưa vào sản xuất các sản phẩm mới như: Đông trùng hạ thảo khô, mật ong đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo. Năm 2021, anh đưa sản phẩm đông trùng hạ thảo khô đóng lọ tham gia đánh giá, phân hạng và được công nhận OCOP 4 sao.
“Để tham gia đánh giá, phân hạng, cùng với làm mới bao bì, nhãn mác, Công ty đầu tư gần 1 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sấy thăng hoa (công nghệ của Mỹ) thay thế cho công nghệ sấy nhiệt trước đây. Nhờ đó, sản phẩm làm ra giữ nguyên chất lượng, màu sắc tự nhiên. Được gắn sao, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, sản lượng tiêu thụ tăng 20-30% so với trước; trừ chi phí, mỗi năm thu lãi hơn 400 triệu đồng”, anh Ong Thế Dũng cho biết.
Qua thống kê, đến nay, huyện Lục Nam có 28 sản phẩm được công nhận OCOP; trong đó có 3 sản phẩm 4 sao, còn lại 3 sao. Các sản phẩm sau khi được gắn sao đã khẳng định được chất lượng, quy mô sản xuất được mở rộng, góp phần nâng giá trị, tăng thu nhập.
Điển hình, sau hơn 4 năm sản phẩm trà hoa vàng được công nhận OCOP 4 sao, quy mô sản xuất của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh, xã Trường Sơn có bước phát triển đáng kể. Từ 4 ha cây trà hoa vàng ban đầu, diện tích loại cây này tăng lên hơn 10 ha. HTX còn liên kết với hộ dân tại các xã lân cận mở rộng thêm gần 50 ha.
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm rượu men lá Bảo Sơn.
Tương tự, sau khi được công nhận OCOP 3 sao (tháng 12/2020), sản lượng tiêu thụ rượu men lá Bảo Sơn của HTX Nông nghiệp sạch Bảo Sơn tăng 20% so với trước. Anh Dương Văn Hiếu, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Bảo Sơn cho biết: “Được công nhận OCOP, sản phẩm rựu men lá Bảo Sơn được nhiều người biết hơn, thị trường mở rộng hơn. Tháng 12/2023, sản phẩm này được nâng lên 4 sao nên càng nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của khách hàng. Hiện trung bình mỗi ngày, chúng tôi đưa ra thị trường khoảng 1 nghìn lít rượu".
Đồng hành với các chủ thể
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam, được gắn sao, các sản phẩm OCOP của huyện đều phát triển tốt, có chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã và doanh thu tăng bình quân 15%/năm. Chương trình OCOP cũng giúp các chủ thể tự nhìn nhận, đánh giá chất lượng các sản phẩm của mình, từ đó tìm giải pháp nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hướng đến phát triển bền vững.
Năm 2022, sản phẩm Na dai Huyền Sơn của HTX Na dai Lục Nam được công nhận OCOP 3 sao.
Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực tài chính, nhiều chủ thể vẫn chưa mặn mà tham gia chương trình, có chủ thể không tham gia đánh giá, phân hạng lại sau khi hết thời hạn. Cùng đó, dù huyện hỗ trợ một số sản phẩm OCOP vào được các siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại song hầu hết không chiếm lĩnh được thị trường.
Nguyên nhân do các chủ thể vẫn chưa chuyên nghiệp trong bán hàng, chưa quan tâm đến các chương trình giảm giá nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại; các sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mang tính mùa vụ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế…
Đồng hành với các chủ thể, cùng với thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 67/2023/NQ-HĐND ngày 13/12/2023 của HĐND tỉnh Bắc Giang về khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, hằng năm UBND huyện đều xây dựng kế hoạch với mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Theo đó, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT tập huấn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thực hiện việc nộp hồ sơ qua phần mềm chấm điểm, nâng cao chất lượng sản phẩm… UBND các xã, thị trấn phân công cán bộ, công chức xã phụ trách chương trình OCOP, xác nhận các nội dung theo thẩm quyền. Đồng thời, thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm đã được công nhận, thực hiện duy trì, tiêu chuẩn hóa, nâng hạng sản phẩm OCOP, bảo đảm sản phẩm tham gia chương trình OCOP chất lượng, an toàn, sử dụng nhãn mác, logo theo quy định.
“Để nâng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng của huyện, chúng tôi quan tâm định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đối với những sản phẩm đã được công nhận, huyện hỗ trợ nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu”, ông Lê Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam cho biết.
Bải, ảnh: Sỹ Quyết
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/luc-nam-nang-gia-tri-san-pham-ocop-081750.bbg