Đồng Nai đang ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc triển khai chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33 của Chính phủ.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, tính đến cuối tháng 5/2025, tổng doanh số cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt 108,73 tỷ đồng.
Trong đó, cho vay khách hàng cá nhân để mua nhà ở đạt 69,97 tỷ đồng, với 113 khách hàng được tiếp cận vốn ưu đãi. Đồng thời, doanh số cho vay đối với chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cũng đạt 38,76 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, cho rằng đây là mức giải ngân khả quan, nhất là khi so sánh với các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ và trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện tại của tỉnh Đồng Nai.
Ông Lệnh nhấn mạnh, xu hướng tăng trưởng tín dụng nhà ở xã hội trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục khả quan nhờ vào một số yếu tố thuận lợi.
Cụ thể, theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong năm 2025, Đồng Nai sẽ khởi công xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội, với tổng số 12.916 căn hộ, trong đó dự kiến hoàn thành 3.161 căn. Nguồn cung tăng sẽ tạo thêm nhu cầu vay vốn, qua đó thúc đẩy giải ngân tín dụng trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, cơ chế chính sách tín dụng tiếp tục là động lực then chốt. Gói tín dụng 145.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 6,6%/năm cho chủ đầu tư và 6,1%/năm cho người mua nhà đã mở ra cơ hội cho người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ đối với người trẻ dưới 35 tuổi đang làm tăng khả năng mua và thuê mua nhà ở xã hội.
Theo ông Lệnh, sự đồng bộ giữa tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ và triển khai dự án cụ thể không chỉ góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội mà còn là giải pháp thực tiễn trong bối cảnh đổi mới thể chế, sắp xếp địa giới hành chính hiện nay. Đây cũng là cơ sở quan trọng giúp tỉnh Đồng Nai (mới) hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 cũng khuyến nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn cần chủ động tiếp cận các dự án, đẩy mạnh triển khai gói tín dụng ưu đãi nhằm đảm bảo hiệu quả thực hiện chính sách và hoàn thành nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề ra.
Đ.H