Đồng Nai: Rà soát toàn diện thủ tục hành chính, xin lỗi người dân nếu trễ hẹn

Đồng Nai: Rà soát toàn diện thủ tục hành chính, xin lỗi người dân nếu trễ hẹn
11 giờ trướcBài gốc
Ngày 22/7, liên quan đến công tác giải quyết các thủ tục hành chính, chuyển đổi số ở giai đoạn đầu hoạt động chính quyền địa phương hai cấp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã làm việc với lãnh đạo 95 phường, xã.
Đồng Nai quan tâm cải cách hành chính, phục vụ tốt nhất cho người dân.
Theo báo cáo, từ ngày 1 - 18/7, 14 sở, ngành của tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận hơn 23.500 hồ sơ (trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 85,39%). Đối với 95 UBND xã, phường đã tiếp nhận trên 37.300 hồ sơ (trong đó tỷ lệ trực tuyến đạt 66,27%).
Kết quả chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp có 6/13 sở, ngành có điểm đánh giá mức tốt từ 80 điểm trở lên gồm: Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Y tế, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và môi trường, Sở Xây dựng. Có 2/13 sở, ngành có điểm đánh giá mức khá từ 70 đến dưới 80 điểm gồm: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Sở Tài chính.
Đối với các địa phương, không có địa phương nào có điểm đánh giá tốt. Có 17 địa phương có điểm đánh giá ở mức khá. Nhóm 10 địa phương đang có điểm đánh giá cao nhất trên địa bàn tỉnh gồm: Bình Tân, Long Hà, Hưng Phước, Phú Trung, Lộc Thành, Gia Kiệm, Bù Gia Mập, Tà Lài, Thọ Sơn, Phú Riềng.
Nhiều lãnh đạo sở ngành, địa phương nêu ra các khó khăn như: hệ thống thông tin có lúc chưa ổn định, hạ tầng kỹ thuật một số xã phường còn thiếu và chất lượng chưa đảm bảo…
Ông Lê Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các đơn vị phải biết xin lỗi người dân khi trễ hẹn hồ sơ. Ảnh: H.Vũ
Sau khi nghe báo cáo, ông Lê Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, qua 3 tuần chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp việc giải quyết thủ tục hành chính, triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành công việc, hệ thống hội nghị trực tuyến, chữ ký số và các vấn đề liên quan việc triển khai xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả rất tích cực. Điều đó cũng phần nào thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm của các sở, ngành và xã phường mới sau sáp nhập.
Tuy nhiên ông Sơn cũng lưu ý các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính nhất là tuyên truyền để người dân tích cực thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời nhanh chóng đồng bộ hóa các dữ liệu về đơn vị hành chính, khu phố ấp; sắp đặt, bố trí Trung tâm phục vụ hành chính công đúng quy định. Tăng cường chủ động phối hợp trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị và báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền kịp thời khắc phục khó khăn để công việc được trôi chảy, không để ảnh hưởng đến kết quả chung của cả tỉnh. Rà soát hoàn thành việc tham mưu UBND tỉnh ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính đã được công bố, trước ngày 25/7.
"Phải thường xuyên kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết trả kết quả hồ sơ trên hệ thống thông tin điện tử của tỉnh và kịp thời có giải pháp khắc phục các tồn tại. Cần phải xin lỗi người dân nếu để hồ sơ trễ hẹn, ảnh hưởng đến người dân", ông Sơn yêu cầu.
Nhiều đơn vị cho biết hiện nay khối lượng hồ sơ đất đai phát sinh hàng ngày rất lớn ảnh hưởng đến việc giải quyết của các địa phương.
Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã làm việc với các đơn vị liên quan về những vướng mắc, khó khăn của Sở Nông nghiệp và môi trường tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn đầu triển khai chính quyền địa phương hai cấp.
Theo báo cáo của Sở này, thời gian qua, hoạt động của đơn vị trong tình hình mới gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: việc thu gom rác sinh hoạt sau sáp nhập các xã, phường; việc phân cấp, phân quyền lĩnh vực tài nguyên nước chưa có sự thống nhất, đồng bộ giữa các luật và nghị định hướng dẫn.
Đồng thời, chưa triển khai được việc liên thông dữ liệu trong quản lý tài nguyên nước, quản lý môi trường do chưa có nền tảng tích hợp dùng chung trong toàn ngành vì dữ liệu còn phân mảnh giữa các lĩnh vực. Quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình đơn vị hành chính hai cấp trong quá trình sử dụng còn khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân do đường truyền kết nối dữ liệu thiếu ổn định, tốc độ chậm, bị gián đoạn dẫn đến việc thực hiện mất nhiều thời gian.
Hơn nữa hiện khối lượng hồ sơ phát sinh hàng ngày rất lớn, việc theo dõi, báo cáo kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đôn đốc xử lý hồ sơ và rà soát nguyên nhân hồ sơ trễ hạn của đơn vị rất khó khăn. Phần mềm quản lý đất đai chưa cập nhật đồng bộ dữ liệu, tốc độ xử lý chậm gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết hồ sơ, nhất là trong lĩnh vực đất đai...
Trước khó khăn này, bà Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường cần nhanh chóng triển khai các hoạt động tập huấn theo kiểu cầm tay chỉ việc, lồng ghép vào từng trường hợp cụ thể liên quan đến các lĩnh vực cho các xã, phường nắm và thực hiện được ngay.
Về thủ tục hành chính, Sở cần rà soát, kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện, hoàn chỉnh. Cần phối hợp với các xã, phường nhanh chóng lập bản đồ hiện trạng của 95 đơn vị cấp xã, phường, làm cơ sở quản lý xây dựng, quy trách nhiệm về xây dựng trái phép phát sinh sau này. Còn các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép.
Minh Tuệ
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/dong-nai-ra-soat-toan-dien-thu-tuc-hanh-chinh-xin-loi-nguoi-dan-neu-tre-hen-192250722184312183.htm