Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 17/7/2025 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính, chuyển đổi số giai đoạn đầu vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Thời gian qua, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tuy nhiên, qua theo dõi của Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ và Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giai đoạn từ ngày 1/7 đến ngày 15/7/2025, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến quá trình vận hành của toàn bộ hệ thống mới…
Trong bối cảnh đó, khó khăn, vướng mắc cũng đã phát sinh trong thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch.
Sơ đồ định hướng phát triển không gian quốc gia trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 không còn phù hợp, khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ Tài chính cho biết, hiện nay Luật Quy hoạch chưa được sửa đổi, nên dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt. Điều này làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội nếu không kịp thời ban hành các giải pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời.
Theo đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ các quy hoạch của hệ thống quy hoạch quốc gia, trong đó có thể phát sinh một số vấn đề chính.
Cụ thể, do sáp nhập về đơn vị hành chính cấp tỉnh, nên có sự thay đổi về tên gọi, phạm vi, ranh giới quy hoạch, các định hướng phát triển, tổ chức không gian phát triển... đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, đối với các địa phương có sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, sẽ tồn tại 2 hoặc 3 quy hoạch tỉnh trong cùng một địa phương sau sáp nhập.
Theo Bộ Tài chính, các vướng mắc nêu trên dẫn tới khó khăn trong chỉ đạo, điều hành, cũng như tính pháp lý trong việc thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án, nhiệm vụ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, do có sự thay đổi về địa giới hành chính các tỉnh sau sáp nhập theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, nên cần nghiên cứu, điều chỉnh phương án phân vùng kinh tế - xã hội để lập, điều chỉnh quy hoạch các vùng cho phù hợp với địa giới hành chính mới.
Từ thực tế trên, theo Bộ Tài chính, cần ban hành một số giải pháp tiếp tục triển khai công tác quy hoạch gắn với sắp xếp đơn vị hành chính. Điều này nhằm bảo đảm không làm gián đoạn hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng và các địa phương trong thời gian Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các nội dung có liên quan đến quy hoạch trong các luật, văn bản quy phạm pháp luật, để trình Quốc hội sửa đổi tổng thể Luật Quy hoạch và các luật có liên quan đến quy hoạch tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (diễn ra vào cuối năm nay).
Hữu Hòe