Đồng Nai - Trung tâm năng lượng và dữ liệu phía Nam trong kỷ nguyên AI

Đồng Nai - Trung tâm năng lượng và dữ liệu phía Nam trong kỷ nguyên AI
7 giờ trướcBài gốc
Thế giới đang bước vào thời kỳ AI định hình lại mọi lĩnh vực - từ sản xuất, y tế, tài chính đến văn hóa, giáo dục… Nhưng phía sau những ứng dụng thần kỳ như ChatGPT, Gemini hay Claude, là hệ thống trung tâm dữ liệu tiêu thụ điện khổng lồ - có thể lên tới hàng trăm MW.
Điện đang trở thành “điểm nghẽn” lớn nhất của AI. Không chỉ cần nhiều, điện cho AI còn phải sạch, ổn định và có giá hợp lý. Vì thế, cuộc đua AI đang đồng thời là cuộc đua hạ tầng năng lượng - nơi quốc gia nào sản xuất được điện sạch, quốc gia đó kiểm soát được sức mạnh tính toán, nền tảng cho mọi ứng dụng AI và là điểm thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng, đặc biệt khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt với định hướng chuyển dịch mạnh sang năng lượng tái tạo và Đồng Nai là vùng đất hội tụ đầy đủ điều kiện để bứt phá thành trung tâm năng lượng và dữ liệu mới.
Không gian mới, tầm nhìn mới
Việc điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập Bình Phước vào Đồng Nai là bước đi chiến lược, giúp hình thành một cực tăng trưởng mới ở phía Nam với lợi thế “hai trong một”: Nơi sản xuất điện sạch quy mô lớn và trung tâm tiêu thụ, vận hành công nghệ cao.
Bình Phước cũ có điều kiện lý tưởng để phát triển điện mặt trời, điện sinh khối và điện từ chất thải. Trong khi đó, Đồng Nai đã và đang là một trong những trung tâm công nghiệp và công nghệ phát triển bậc nhất cả nước, với hệ thống các khu công nghiệp hiện đại, hạ tầng giao thông liên vùng, Sân bay quốc tế Long Thành và mạng lưới nhân lực dồi dào với hành lang công nghiệp - năng lượng - công nghệ sẽ hình thành, mở ra cơ hội biến Đồng Nai thành trung tâm AI phía Nam - vừa là nơi tiêu thụ hiệu quả năng lượng tái tạo, vừa là điểm trung chuyển dữ liệu cho khu vực Đông Nam Á.
Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, một trong 5 dự án trọng điểm ngành năng lượng trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Ảnh tư liệu
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện quốc gia sẽ đạt khoảng 150 ngàn MW, trong đó điện gió, mặt trời và các nguồn tái tạo khác chiếm tới gần 50%. Riêng Bình Phước cùng với Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, được xác định là một trong những trung tâm sản xuất điện sạch quan trọng của cả nước, cùng với dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, dự kiến sẽ cung cấp khoảng 9-12 tỷ kWh điện mỗi năm cho hệ thống điện quốc gia.
Tuy nhiên, sản xuất nhiều điện chưa đủ - điều quan trọng là phải truyền tải được tới nơi cần sử dụng. Thực tế, không ít dự án điện mặt trời, điện gió tại Ninh Thuận, Bình Thuận hay Đắk Lắk rơi vào tình trạng “phơi nắng” vì không có lưới điện truyền tải kịp thời.
Đó chính là lý do vì sao đầu tư vào hệ thống truyền tải điện liên vùng trở thành ưu tiên chiến lược. Với vai trò là đầu mối kết nối giữa vùng sản xuất và vùng tiêu thụ, Đồng Nai có thể được quy hoạch thành “Hub năng lượng” phía Nam - nơi tích hợp điện sạch từ Tây Nguyên, Lâm Đồng, qua các trục truyền tải 500kV và các cụm pin lưu trữ, phục vụ trực tiếp cho trung tâm dữ liệu, AI và các ngành công nghệ.
Đồng Nai - lợi thế đặc biệt trong chuỗi AI xanh
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà đầu tư quốc tế coi Đồng Nai như một thủ phủ năng lượng, trung tâm dữ liệu và công nghệ phía Nam.
Thứ nhất, về không gian: Sự kết hợp giữa Đồng Nai - đô thị công nghiệp phát triển - với Bình Phước - nơi có quỹ đất rộng, giá thấp, dễ dàng triển khai các cụm năng lượng tái tạo đã tạo nên một lợi thế địa lý và hạ tầng hiếm có. Nếu Đồng Nai cũ là nơi tập trung hút đầu tư công nghệ và nhân lực chất lượng cao, thì Bình Phước cũ cung cấp một “vành đai năng lượng xanh” hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số quy mô lớn.
Quỹ đất rộng hoàn toàn có thể phát triển thành các khu công nghệ xanh tích hợp 3 thành phần: “trung tâm dữ liệu (data center) + điện mặt trời áp mái + hệ thống lưu trữ pin”. Mô hình này không chỉ phù hợp với xu hướng xây dựng “net zero data center” toàn cầu, mà còn tận dụng được trọn vẹn cơ hội từ Quy hoạch điện VIII, vốn khuyến khích phân tán phụ tải và đa dạng hóa nguồn điện trong vùng Đông Nam Bộ.
Thứ hai, về giao thông: Với hệ thống cao tốc liên vùng, Sân bay Long Thành, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hệ thống cảng sông - cảng biển kết nối Cái Mép - Thị Vải, Đồng Nai là trung tâm kết nối cả 4 tuyến vận tải: đường sắt, đường bộ, đường hàng không và đường thủy đã và đang tạo nên một "mạng lưới mạch máu" cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là bệ phóng quan trọng để Đồng Nai trở thành một “thủ phủ logistics - AI”.
Thứ ba, về nguồn nhân lực: Khu vực này quy tụ hàng trăm ngàn lao động kỹ thuật, trình độ cao, từ các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật của cả Đông Nam Bộ, sẵn sàng phục vụ các ngành yêu cầu khắt khe về trình độ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ phần mềm, kỹ thuật điện - điện tử hay tự động hóa sản xuất…
Chuyên gia kỹ thuật nước ngoài kiểm tra chân đế của tua-bin. Turbine khí của Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 có mã hiệu 9HA02, xuất xứ Pháp, trọng lượng 431 tấn. Ảnh tư liệu
Trung tâm dữ liệu - bước đi chiến lược để nắm lấy cơ hội
Trung tâm dữ liệu (data center) được ví như “nhà máy điện của thế kỷ số”, nơi xử lý và lưu trữ hàng tỷ giao dịch mỗi ngày. Để vận hành ổn định, data center cần điện sạch, độ trễ thấp, chi phí vận hành cạnh tranh và chính sách thông thoáng.
Đồng Nai có thể quy hoạch các cụm trung tâm dữ liệu quy mô lớn (từ 50-100MW), sử dụng trực tiếp điện mặt trời tại chỗ, kết hợp hệ thống pin lưu trữ. Nếu làm tốt, đây sẽ là mô hình kiểu mẫu cho AI xanh - trung hòa carbon, không chỉ phục vụ doanh nghiệp trong nước mà còn xuất khẩu dịch vụ tính toán ra nước ngoài.
Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn như: Google, Microsoft, Alibaba Cloud hay Samsung SDS đang tích cực tìm địa điểm đặt data center tại Đông Nam Á, do chi phí vận hành tại Singapore và Nhật Bản đã quá cao và hạn chế về nguồn cung năng lượng. Việt Nam, và cụ thể là Đồng Nai, hoàn toàn có thể là điểm đến tiếp theo nếu hạ tầng điện - dữ liệu được quy hoạch bài bản và có chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư hợp lý. Hiện nay, Đồng Nai đang triển khai Khu công nghệ thông tin tập trung Long Thành có thể là hình mẫu để nhân rộng và triển khai ra cả nước.
Để hiện thực hóa các mục tiêu theo kế hoạch nói trên, Đồng Nai xác định cần nhấn mạnh việc mang công nghệ vào đời sống kinh tế, xã hội và đổi mới sáng tạo, tỉnh sẽ kết hợp phát triển công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh, đào tạo nhân lực và huy động nguồn lực thông qua các quỹ đầu tư phát triển với một lộ trình rõ ràng cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, cần những bước đi cụ thể: Quy hoạch liên vùng năng lượng - dữ liệu - công nghệ, tích hợp điện sạch và truyền tải với cụm trung tâm dữ liệu; đầu tư trục truyền tải điện 500kV từ Bình Phước cũ, Tây Nguyên về Đồng Nai, phục vụ trực tiếp cho hệ sinh thái trung tâm dữ liệu, trạm biến áp số và kho lưu trữ pin năng lượng; thu hút đầu tư thành lập khu công nghệ cao xanh, ưu đãi đặc biệt cho mô hình “AI + điện tái tạo”; mời gọi các tập đoàn công nghệ lớn, cam kết đồng hành dài hạn và phát triển nhân lực địa phương.
Từ sức mạnh hạ tầng đến vị thế quốc gia
Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ lớn trong cuộc đua AI toàn cầu, khi nhiều quốc gia cạnh tranh bằng hạ tầng số và năng lực sản xuất chip thì thách thức lớn nhất của trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay lại nằm ở một yếu tố tưởng chừng ít được chú ý: điện năng, đặc biệt là điện sạch từ năng lượng tái tạo. Đồng Nai với lợi thế sẵn có hoàn toàn có thể trở thành trung tâm năng lượng - dữ liệu phía Nam, là trung tâm cho AI Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.
Trịnh Duy Thanh
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/chuyen-doi-so/202507/dong-nai-trung-tam-nang-luong-va-du-lieu-phia-nam-trong-ky-nguyen-ai-a8f00c0/