Đông Nam Á hướng đến năng lượng hạt nhân để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng

Đông Nam Á hướng đến năng lượng hạt nhân để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng
4 giờ trướcBài gốc
Năng lượng hạt nhân hứa hẹn trở thành nguồn năng lượng sạch hơn cho khu vực. Ảnh minh họa: Korea Hydro & Nuclear Power
“Chúng tôi thấy nhiều dấu hiệu của một kỷ nguyên mới về năng lượng hạt nhân trên toàn thế giới”, ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết; đồng thời lưu ý, IEA kỳ vọng 2025 sẽ là năm đạt mức cao lịch sử về điện hạt nhân nhờ các nhà máy mới, cũng như các kế hoạch quốc gia mới và sự quan tâm đến các lò phản ứng hạt nhân nhỏ hơn.
Năng lượng hạt nhân đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ ở các quốc gia giàu có hơn như Mỹ, Pháp và Nhật Bản. Theo IEA, năng lượng hạt nhân sản xuất khoảng 10% tổng lượng điện được tạo ra trên toàn thế giới, với công suất 413 gigawatt (GW) hoạt động tại 32 quốc gia. Con số này lớn hơn toàn bộ công suất phát điện của châu Phi. Qua đó, IEA nhận định, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới cần “tăng tốc đáng kể” trong thập kỷ này để đáp ứng các mục tiêu toàn cầu về chấm dứt phát thải khí nhà kính.
Từ nay đến năm 2035, Đông Nam Á sẽ chiếm 1/4 tăng trưởng nhu cầu năng lượng toàn cầu, và nhiên liệu hóa thạch chiếm phần lớn công suất năng lượng của khu vực này. Nhiều quốc gia trong khu vực đang thể hiện sự quan tâm đến việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, nhằm giúp làm sạch khói bụi và tăng công suất năng lượng.
Hồi cuối tuần trước, một cố vấn của Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto cho hay, Indonesia có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân với công suất khoảng 4 GW, trong nỗ lực hướng tới năng lượng sạch hơn.
Được biết, công suất điện lắp đặt hiện tại của Indonesia là hơn 90 GW, trong đó hơn một nửa được cung cấp bởi điện than và chưa đến 15% là năng lượng tái tạo. Hiện tại, quốc gia này không có công suất điện hạt nhân.
Trong khi đó, một công ty của Hàn Quốc đang đánh giá việc khởi động lại một nhà máy điện hạt nhân ở Philippines. Tại Malaysia, năng lượng hạt nhân được đưa vào các kế hoạch tương lai. Singapore đã ký một thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Mỹ vào năm ngoái. Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar cũng đã thể hiện sự quan tâm đến năng lượng hạt nhân.
Ngoài ra, ông Henry Preston, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA) thông tin thêm, nguồn tài chính quốc tế cho năng lượng hạt nhân đang trở nên khả dụng hơn, với 14 tổ chức tài chính lớn đã thông qua mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất năng lượng hạt nhân toàn cầu vào năm 2050.
LÊ THẢO (Lược dịch từ AP & Reuters)
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/the-gioi/dong-nam-a-huong-den-nang-luong-hat-nhan-de-thuc-day-chuyen-doi-nang-luong-150558.html