Đông Nam Bộ từ vùng trũng đến đô thị năng động

Đông Nam Bộ từ vùng trũng đến đô thị năng động
5 giờ trướcBài gốc
Chuyển mình toàn diện
Trước năm 1975, vùng Đông Nam Bộ gồm các tỉnh Sài Gòn (nay là TP.HCM), Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, chủ yếu phát triển các cơ sở quân sự, kho tàng, sân bay và bến cảng phục vụ chiến tranh.
Khu vực phía Đông TP.HCM ngày nay đã phát triển thành đô thị hiện đại, năng động.
"Thành phố Sài Gòn khi ấy nổi tiếng với danh hiệu "Hòn ngọc Viễn Đông", nhưng thực tế chỉ phát triển cục bộ ở một số quận trung tâm như quận 1, quận 3 và quận 5.
Phần lớn diện tích đô thị còn lại là trại lính, kho quân sự và khu ổ chuột, đặc biệt dọc các kênh rạch như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Kênh Tẻ, Kênh Đôi", ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhớ lại.
Hành trình đô thị hóa Đông Nam Bộ là câu chuyện về tầm nhìn, về bản lĩnh vượt nghịch cảnh và hơn hết là khát vọng vươn lên. Từ những con đường đất, căn nhà lá, ao tù kênh rạch, nay là những cao ốc, trung tâm tài chính, khu công nghiệp xanh và hành lang cảng biển hiện đại. Đó không chỉ là sự thay đổi cảnh quan mà còn là sự trưởng thành về quản trị, về xã hội và về tầm nhìn phát triển vùng.
Ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Thế nhưng, sau ngày thống nhất đất nước, vùng Đông Nam Bộ đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ năng động nhất cả nước. "Hành trình đô thị hóa của Đông Nam Bộ là một biểu tượng của sự chuyển mình toàn diện về kinh tế, xã hội và tầm nhìn quy hoạch", ông Trần Ngọc Chính chia sẻ.
Sau năm 1975, TP.HCM bắt tay vào công cuộc tái thiết trong điều kiện vật tư khan hiếm, cơ chế hành chính chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, chính từ những bước đi đầu tiên đầy khó khăn, ý chí quy hoạch vì tương lai đã được hình thành.
Nổi bật nhất là sự trỗi dậy của khu Nam Sài Gòn, nơi từng là đồng bưng, đầm lầy, hạ tầng yếu và ít người sinh sống. Dự án đại lộ Nguyễn Văn Linh, con đường dài hơn 17km khánh thành cuối thập niên 1990, đã trở thành trục xương sống cho cả vùng phía Nam.
Cùng đó là sự hình thành của khu đô thị Phú Mỹ Hưng - khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Việt Nam sau đổi mới. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông hiện đại, tiện ích sống chất lượng đã khiến quận 7 từ một vùng trũng nay trở thành trung tâm tài chính - dịch vụ năng động.
Cực tăng trưởng kiểu mẫu
Bà Phạm Thị Ba, người dân sống tại phường Tân Phong, quận 7 chia sẻ: "Tôi từng sống ở đây từ trước năm 1990. Khi đó là đường đất, nước ngập tới đầu gối, rạch thì ô nhiễm. Cả xóm chỉ có một bóng đèn điện. Giờ nhìn lại không tin nổi. Nhà cửa khang trang, trường học quốc tế, bệnh viện lớn mọc lên, giá đất thì không thể tưởng tượng được nữa".
Tại phía Đông TP.HCM, phường Thạnh Mỹ Lợi, một địa bàn ven sông ngoại vi hẻo lánh thành trung tâm hành chính mới. Nơi đây từng bị chia cắt bởi sông Sài Gòn, không có cầu nối, giao thông khó khăn, suốt nhiều thập kỷ nằm ngoài quy hoạch đô thị.
Chỉ từ sau năm 2010, đặc biệt là khi cầu Thời Đại hoàn thành năm 2018, hạ tầng mới được kết nối với Thủ Thiêm, trung tâm tài chính tương lai của thành phố. Hàng loạt khu dân cư cao cấp, căn hộ hiện đại được hình thành, đưa Thạnh Mỹ Lợi trở thành cực tăng trưởng mới trong cấu trúc đô thị đa trung tâm.
Một cư dân sống tại chung cư Vista Verde chia sẻ: "Cách đây hơn 10 năm, khu này chỉ toàn lau sậy, mỗi lần đi chợ phải lội qua bến phà, trẻ con thì đi học bằng ghe. Giờ có cầu, có đường Mai Chí Thọ, đi đâu cũng tiện. Cuộc sống thay đổi hoàn toàn".
Từ "sốc đô thị" đến đô thị thông minh toàn cầu
Không chỉ TP.HCM, các tỉnh xung quanh cũng trỗi dậy mạnh mẽ. Tại Bình Dương, theo ông Nguyễn Minh Đức, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, địa phương này từng trải qua giai đoạn "sốc đô thị" khi công nghiệp hóa diễn ra quá nhanh.
Bình Dương nằm trong Top 21 đô thị thông minh toàn cầu.
"Hạ tầng chưa kịp hình thành, người lao động nhập cư đông, xã hội phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an sinh, văn hóa, giao thông và môi trường. Nhưng điều quan trọng là tỉnh đã sớm nhìn ra vấn đề và không ngừng cải cách.
Bình Dương mạnh dạn quy hoạch khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ tích hợp, đặc biệt là thành phố mới Bình Dương với hệ thống hạ tầng, hành chính, giáo dục và công nghệ cao được đầu tư bài bản", ông Đức chia sẻ.
Một người dân sống tại phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một kể: "Gia đình tôi từng sống trong nhà tranh vách đất, đi học phải lội ruộng băng qua suối. Bây giờ không chỉ có đường nhựa khang trang, mà còn có cả công viên, bệnh viện, trường học ngay gần nhà. Con tôi học đại học ở thành phố mới, đi làm ở khu công nghệ cao gần nhà".
Bình Dương ngày nay có 5 thành phố trực thuộc, tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 85%, nhiều năm liền nằm trong Top 21 đô thị thông minh toàn cầu (Smart21).
Những địa phương như Dĩ An, Thuận An, Bến Cát đã hình thành diện mạo đô thị rõ nét với hạ tầng kết nối vùng hoàn chỉnh, đặc biệt là các trục quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn và Vành đai 3 TP.HCM. Tỉnh cũng chú trọng phát triển các khu nhà ở xã hội, mảng xanh, giao thông công cộng và dịch vụ giáo dục, y tế hiện đại để xây dựng hình mẫu đô thị đáng sống.
Tại Đồng Nai, từ một tỉnh nông nghiệp, là căn cứ quân sự thời chế độ cũ, đô thị Biên Hòa đã bứt phá để trở thành đô thị loại I. Sự phát triển của các khu công nghiệp Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Loteco... cùng hệ thống giao thông huyết mạch như quốc lộ 1A, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã biến Biên Hòa thành điểm đến của hàng trăm nghìn lao động ngoại tỉnh.
Không gian đô thị mở rộng, các tuyến đường như Đồng Khởi, Võ Thị Sáu, Nguyễn Ái Quốc trở thành trục phát triển kinh tế - dịch vụ của thành phố.
Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu từ một vùng biển hoang sơ chuyên phục vụ hậu cần dầu khí, đã vươn mình thành trung tâm du lịch - cảng biển - công nghiệp nặng với mô hình phát triển đa cực. Thành phố Vũng Tàu không chỉ giữ vai trò trung tâm nghỉ dưỡng mà còn là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn dầu khí, dịch vụ biển.
Tương tự, thị xã Phú Mỹ vươn lên là đô thị công nghiệp gắn cảng biển với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải được xếp vào top 20 cảng container tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Bên cạnh hạ tầng cảng, tỉnh cũng đang đầu tư vào giao thông kết nối vùng, phát triển đường ven biển mở rộng từ TP.HCM đến Bình Thuận.
"Điều đáng nói là các địa phương trong vùng không phát triển rời rạc mà đang ngày càng thể hiện rõ tính liên kết. Việc hình thành vùng đô thị TP.HCM mở rộng, kết nối với Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là xu thế tất yếu. Trong tương lai, nếu phát triển đúng hướng, Đông Nam Bộ có thể trở thành vùng đại đô thị công nghiệp, dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á", ông Trần Ngọc Chính nhận định.
Mai Thanh
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/dong-nam-bo-tu-vung-trung-den-do-thi-nang-dong-192250501132604659.htm