Đồng Tháp đề xuất gì cho khuyến công quốc gia giai đoạn mới?

Đồng Tháp đề xuất gì cho khuyến công quốc gia giai đoạn mới?
13 giờ trướcBài gốc
Khuyến công hấp dẫn vốn đối ứng
Ngay từ khi bước vào triển khai Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đồng Tháp đã xác định rõ vai trò quan trọng của khuyến công trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế địa phương theo hướng bền vững.
Sở Công Thương Đồng Tháp, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, đã triển khai quyết liệt các chính sách, hoạt động khuyến công từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Kết quả sau 5 năm cho thấy, chương trình không chỉ là nguồn lực hỗ trợ, mà thực sự là đòn bẩy mạnh cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Số liệu báo cáo từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho thấy, 5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ 64 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất cho 88 cơ sở công nghiệp nông thôn. Riêng khuyến công quốc gia hỗ trợ 2 đề án, còn lại là khuyến công địa phương với 62 đề án. Nội dung này đã giúp tỉnh đạt mục tiêu thúc đẩy chuyển giao công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản phẩm.
Cùng đó, việc tổ chức 5 đợt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, với 180 sản phẩm được chứng nhận, đã giúp nhiều cơ sở nâng cao giá trị thương hiệu, tạo thuận lợi trong mở rộng thị trường. Trong số đó, có 32 sản phẩm cấp khu vực và 10 sản phẩm cấp quốc gia, đây là những sản phẩm đặc sắc, có thế mạnh, được Đồng Tháp vận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ nhằm phát triển sản xuất theo quy mô hàng hóa, xây dựng thương hiệu, từ đó tạo ra các sản phẩm “đinh” của địa phương.
Nguồn vốn khuyến công quốc gia thu hút đáng kể vốn đối ứng từ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh minh họa
Không chỉ đầu tư máy móc, Đồng Tháp còn quan tâm đào tạo và nâng cao năng lực nguồn nhân lực: Tổ chức lớp học quản lý và khởi nghiệp cho 35 học viên, tổ chức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về công nghiệp nông thôn, cũng như truyền cảm hứng đổi mới cho các cơ sở.
Tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 lên đến 52,2 tỷ đồng, trong đó 58% là vốn đối ứng từ các cơ sở, điều này thể hiện sự hưởng ứng tích cực, đồng thời đổi mới tư duy sản xuất từ doanh nghiệp công nghiệp nông thôn.
Thay đổi để nâng chất
Dù hiệu quả nguồn vốn khuyến công quốc gia đã được ghi nhận, tuy nhiên báo cáo từ UBND tỉnh Đồng Tháp cũng chỉ rõ, công tác khuyến công vẫn vướng những hạn chế nhất định. Đầu tiên là khó khăn trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật do thiếu vốn và hạn chế về tay nghề lao động.
Thị trường cạnh tranh gay gắt khiến nhiều cơ sở chưa khai thác hết công suất máy móc được hỗ trợ. Thêm vào đó, phần lớn các cơ sở công nghiệp nông thôn vẫn chỉ tập trung vào sản phẩm thô, chưa mạnh dạn đầu tư chế biến sâu.
Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là do phần lớn các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc nhóm hộ cá thể, doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, thiếu vốn, thiếu định hướng kinh doanh. Cũng chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt, liên kết chuỗi. Ngoài ra, mức hỗ trợ ngân sách còn hạn chế, chưa tạo đủ động lực mạnh mẽ để cơ sở mở rộng đầu tư.
Với những nút thắt đó, tỉnh Đồng Tháp cũng nhìn nhận giai đoạn 2026-2030 chương trình khuyến công cần những điểm mới để khắc phục đồng thời bắt nhịp với những thay đổi của bối cảnh phát triển.
Một trong những đề xuất nổi bật là bổ sung nội dung hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Việc này bao gồm hỗ trợ phần mềm quản lý sản xuất, phần mềm kinh doanh, các giải pháp thương mại điện tử, từ đó tối ưu quy trình, giảm chi phí và mở rộng thị trường. Đây là định hướng phù hợp với xu thế, giúp các cơ sở tiểu thủ công nghiệp không bị tụt lại trong nền kinh tế số.
Ngoài ra, tỉnh kiến nghị cần xây dựng định mức chi cụ thể cho các nội dung chưa được quy định, đặc biệt là sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, hướng tới mô hình phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Về cơ chế chính sách, Đồng Tháp đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2012/NĐ-CP theo hướng mở rộng ngành nghề được hỗ trợ, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với yêu cầu phát triển giai đoạn mới. Việc này sẽ giúp tăng tính linh hoạt, chủ động cho địa phương trong xây dựng và triển khai chương trình.
Tỉnh cũng đề xuất Bộ Công Thương sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực khuyến công, làm căn cứ cho các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả và tránh lãng phí nguồn lực.
Đồng thời, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác khuyến công, tăng cường phối hợp liên ngành, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí… cũng được đưa ra, cho thấy quyết tâm không để "chương trình lớn mà hiệu quả nhỏ".
Về nguồn lực tài chính, Đồng Tháp đề nghị tiếp tục cân đối, bố trí ngân sách địa phương một cách chủ động, đồng thời khai thác các nguồn xã hội hóa, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia để tăng quy mô và hiệu quả đầu tư.
Giai đoạn 2021-2025 Đồng Tháp thu hút tới 58% vốn đối ứng từ các cơ sở công nghiệp nông thôn, đã tiếp tục khẳng định tính hấp dẫn cũng như hiệu quả của chương trình khuyến công quốc gia.
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/dong-thap-de-xuat-gi-cho-khuyen-cong-quoc-gia-giai-doan-moi-411508.html