Bên cạnh hoạt động xuất khẩu, dòng tiền đầu tư nội địa là nguồn chủ lực cho tăng trưởng trong nửa đầu năm 2025. Ảnh minh họa: DNCC.
Đẩy tiền qua chính sách tài khóa lẫn tiền tệ
Dự báo bức tranh kinh tế đã thay đổi đáng kể sau những số liệu nửa đầu năm khi con số vượt xa dự báo của các định chế tài chính quốc tế. Tính chung kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm đã tăng trưởng 7,52% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Ngân hàng UOB, một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng là câu chuyện xuất khẩu “tranh thủ thực hiện đơn hàng”, trong khoảng thời gian 90 ngày Mỹ tạm ngừng áp thuế đối ứng để thỏa thuận. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4% (đạt 219 tỉ đô la Mỹ) trong khi nhập khẩu tăng 17,9% so với cùng kỳ, tương đương tốc độ tăng trưởng cả năm 2024.
Nhưng bên cạnh thương mại quốc tế, một yếu tố đáng chú ý là tổng cầu của nền kinh tế nội địa tăng cao trong nửa đầu năm đến từ hai chính sách quan trọng nhất là tài khóa và tiền tệ, bao gồm đầu tư công cũng như dòng tiền tư nhân.
Cụ thể về chính sách tài khóa, theo báo cáo của Cục thống kê (Bộ tài chính), vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội (theo giá hiện hành) trong 6 tháng đầu năm đạt gần 1,6 triệu tỉ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 2,8%). Chi ngân sách cũng tăng mạnh với tổng chi tăng 38,5%, trong đó chi đầu tư phát triển tăng 42,3%.
Giải ngân đầu tư công ghi nhận đang tăng mạnh ở cấp tỉnh, với mức tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh các tỉnh thành tại Việt Nam tiến hành sáp nhập hành chính, theo số liệu VinaCapital.
“Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để duy trì đà giải ngân mạnh mẽ cho đầu tư hạ tầng. Nợ công của Chính phủ hiện ở mức dưới 40% GDP, thặng dư ngân sách trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt trên 5% GDP, và có hơn 45 tỉ đô chưa được giải ngân cho cơ sở hạ tầng. Trở ngại chính cho việc giải ngân chậm trong quá khứ phần lớn là do các vướng mắc pháp lý và thủ tục hành chính, điều mà các cải cách pháp lý ở phần trên đang từng bước tháo gỡ”, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital bình luận.
Tương tự chính sách tài khóa, dòng tiền từ các ngân hàng cũng đẩy nhanh với tốc độ tăng trưởng tín dụng lên đến 9,9% trong nửa đầu năm, cao gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy một số lĩnh vực tăng nhanh như công nghiệp hỗ trợ (tăng mạnh hơn 15%), công nghệ cao (hơn 17%), trong khi mức thấp hơn gồm lĩnh vực nông nghiệp (tăng 5,3%), doanh nghiệp vừa và nhỏ (5,7%).
Trong thời gian tới, dòng tiền dự kiến còn được đẩy mạnh. Chính phủ hiện nay đang thúc đẩy khởi công và hoàn thành nhiều công trình lớn, chẳng hạn như sân bay Long Thành, đường vành đai ở Hà Nội và TPHCM, hay tuyến đường sắt ở khu vực phía Bắc.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, trong nửa đầu năm, con số vĩ mô tích cực đến từ hai động lực lớn. Thứ nhất là xuất khẩu tăng mạnh khi các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất để chuẩn bị cho thuế quan. Thứ hai là đầu tư công rất tích cực và dự báo còn hưởng lợi trong 3-4 năm tới.
“Áp lực đạt được mục tiêu tăng trưởng cao rất lớn, đòi hỏi chính sách tiền tệ và tài khóa Việt Nam đều theo hướng hỗ trợ. Ngoài ra, chi ngân sách tăng nhiều hơn thu ngân sách. Trong 6 tháng cuối năm, định hướng này sẽ được tiếp tục bởi Chính phủ muốn đạt đến mục tiêu 8%", ông Thành nhấn mạnh.
Xây nội lực để đón ‘gió ngược’
Tăng trưởng cao nhưng Việt Nam vẫn phải đề phòng với những cơn “gió ngược” như nhiều chuyên gia đã phân tích. Một trong số đó được nhắc đến nhiều nhất là thuế quan Mỹ.
Theo bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu Dragon Capital, cập nhật diễn biến đàm phán thuế quan gần đây cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, khi tác động thực tế sẽ nhỏ hơn nhiều so với kịch bản dự kiến trước đó. Ngưỡng thuế được cho là chưa đủ lớn để gây ra làn sóng dịch chuyển FDI hay biến đổi cấu trúc thương mại.
Ông Jeffrey David Perlman, CEO Warburg Pincus, một quỹ đầu tư lớn Mỹ tài trợ nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, trong buổi hội nghị tại Hà Nội gần đây, đánh giá triển vọng vẫn rất tích cực. “Có lý do để tin rằng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng gần 10% mỗi năm, thay vì 7–8%. Vấn đề thuế quan có thể đã làm gián đoạn quỹ đạo này, nhưng với cách xử lý hiện tại, tôi nghĩ chúng ta đang trở lại đúng hướng”, ông Jeffrey bình luận.
Trong câu chuyện tăng trưởng nửa đầu năm 2025, một điểm cốt lõi là dòng tiền tăng trưởng đến từ nội địa, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện nhiều cải cách quan trọng trên nhiều khía cạnh.
Bà Minh của Dragon Capital đánh giá việc cải cách với nhịp độ “diễn ra rất nhanh", số lượng luật và nghị định ban hành trong một năm qua đã "gấp hai và gấp ba lần so với cả 3 năm trước cộng lại".
Nghị quyết số 206 của Quốc hội (về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật) được kỳ vọng gỡ khó cho khoảng 2.200 dự án với tổng số tiền đầu tư 235 tỉ đô la. “Điều này tương đương giải phóng nguồn lực kinh tế hơn 50% GDP”, bà Minh nói.
Nhìn về trung và dài hạn, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư, Dragon Capital cho rằng động lực tăng trưởng bền vững của Việt Nam đến từ bên trong thay vì bên ngoài, trong đó các yếu tố như xuất khẩu hay FDI đóng vai trò cân bằng vĩ mô. “Sức mạnh nội tại là yếu tố quan trọng nhất cho kinh tế Việt Nam trong 5-10 năm tới”, ông Tuấn nói và lấy ví dụ về giai đoạn 2011-2012 kinh tế rất khó khăn dù xuất khẩu tăng trưởng tốt.
Câu chuyện tăng trưởng cũng một phần lo ngại những “cơn gió ngược” đến từ thế giới, trong đó có câu chuyện cân bằng giữa tỷ giá, lãi suất và tăng trưởng.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trong nửa cuối năm nay, NHNN vẫn còn dư địa để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên vẫn không chủ quan với nguy cơ lạm phát.
“Trong trường hợp lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tín dụng tiếp tục được mở rộng lành mạnh, chất lượng tín dụng và nợ xấu được kiểm soát hiệu quả, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng phù hợp trong năm 2025 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", ông Quang nói.
Dũng Nguyễn