Dù tổng thể khối ngoại chỉ bán ròng nhẹ 5 tỷ đồng trên toàn thị trường, nhưng hoạt động mua ròng tại một số cổ phiếu chủ chốt vẫn diễn ra tích cực. Cụ thể, ngoài MBB, các cổ phiếu như BVH, SAB, VIC và HDB cũng ghi nhận lực cầu ngoại tốt với giá trị mua ròng dao động từ 54-81 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, áp lực bán ròng tập trung chủ yếu vào VHM (-117 tỷ đồng) và FPT (-105 tỷ đồng).
Cổ phiếu MBB được mua ròng mạnh nhất toàn thị trường với giá trị 117 tỷ đồng
Việc cổ phiếu MBB được mua ròng mạnh trong bối cảnh thị trường giao dịch ảm đạm đã thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư. Theo các chuyên gia, lực cầu ngoại đổ vào MBB xuất phát từ nhiều yếu tố hỗ trợ nội tại.
Ông Hàn Hữu Hậu, chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VPS, nhận định: "MBB có lợi thế lớn về nền tảng tài chính vững chắc, tốc độ tăng trưởng tín dụng ổn định và khả năng sinh lời thuộc nhóm cao trong khối ngân hàng. Ngoài ra, định giá P/B của MBB hiện ở mức hấp dẫn so với mặt bằng chung ngành, tạo động lực để khối ngoại gia tăng tỷ trọng. Đặc biệt, sự ổn định trong chất lượng tài sản và chiến lược mở rộng bán lẻ của ngân hàng này giúp MBB trở thành lựa chọn ưu tiên trong giai đoạn hiện tại".
Theo ông Hậu, việc khối ngoại mua ròng mạnh tay MBB cũng cho thấy sự kỳ vọng dài hạn vào tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng này, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nhà băng đang bước vào chu kỳ tái cấu trúc tài sản để thích ứng với các yêu cầu Basel II, Basel III.
Ngoài điểm nhấn từ MBB, phiên 28/4 còn ghi nhận sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu. Trong rổ VN30, dù VHM và FPT suy yếu mạnh, các mã khác như VIC, SAB, MSN, MWG lại cho thấy sự cải thiện tích cực trong phiên chiều, giúp thu hẹp mức giảm chung của chỉ số.
Độ rộng thị trường trên HoSE cuối phiên nghiêng nhẹ về phía giảm với 235 mã tăng/262 mã giảm. Tuy nhiên, điểm tích cực là số lượng cổ phiếu tăng giá mạnh từ 1% trở lên và thanh khoản cải thiện tốt trong phiên chiều. Các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ như HAG, HAP, DRH, TDH kịch trần, cùng với sự bứt phá về thanh khoản của nhiều cổ phiếu nhóm chứng khoán, bất động sản như SSI, VCI, HCM, VRE.
Mặc dù thanh khoản chung vẫn ở mức thấp so với trung bình 10 phiên gần nhất, việc dòng tiền tập trung hơn và hiệu quả đẩy giá tích cực là dấu hiệu cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn giữ được sự lạc quan thận trọng trước kỳ nghỉ dài ngày.
Một diễn biến đáng chú ý khác trong phiên hôm nay là việc nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng mạnh trong phiên chiều, với giá trị mua ròng trên HoSE đạt 349,8 tỷ đồng, gấp đôi so với phiên sáng. Bên cạnh MBB, các cổ phiếu như BVH (+81 tỷ), SAB (+58,5 tỷ), VIC (+55,2 tỷ) và HDB (+54,1 tỷ) cũng được khối ngoại mua ròng mạnh tay.
Sự đảo chiều này phần nào củng cố niềm tin cho thị trường trong những phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ, khi khối ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò nâng đỡ tâm lý và thanh khoản.
Theo chuyên gia Hàn Hữu Hậu, yếu tố cần quan sát trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ sẽ là: động thái của khối ngoại, sự lan tỏa dòng tiền sang nhóm midcap, và đặc biệt là khả năng hồi phục của các cổ phiếu trụ như VHM và FPT sau nhịp điều chỉnh.
"Nếu xu hướng mua ròng tiếp tục được duy trì, đặc biệt vào các mã ngân hàng như MBB, HDB, thì thị trường có thể sớm lấy lại đà tăng trở lại, với vùng hỗ trợ quanh 1.220 điểm được kỳ vọng giữ vững", ông Hậu đánh giá.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang ổn định ở mức thấp và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn tích cực trong năm 2025, các cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trong trung và dài hạn.
Bình Minh