Thông tin Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội triển khai lộ trình cấm mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực trung tâm (khu vực Vành đai 1) từ giữa năm 2026 được đón nhận bằng nhiều cảm xúc, trước tiên là sự đồng tình.
Tuy nhiên song song với sự đồng tình là ý kiến của nhiều người cho rằng cần phải có lộ trình rõ ràng đối với lệnh cấm; lộ trình này không chỉ là mốc thời gian thực hiện mà còn bao gồm các biện pháp hỗ trợ người dân.
Câu hỏi trước tiên của nhiều người là làm sao chuyển đổi từ xe chạy xăng dầu sang các loại xe điện vì đây là một khoản đầu tư không nhỏ với nhiều gia đình. Vì thế lộ trình thực hiện cần bao gồm biện pháp hỗ trợ như tín dụng miễn giảm thuế khi mua xe điện, tức thay vì trợ giá cho người mua xe điện, Chính phủ sẽ cấp cho họ một mức tín dụng nhất định, có thể sử dụng để nộp các loại thuế, kể cả thuế thu nhập cá nhân.
Ở các nước, mức tín dụng hỗ trợ này có thể lên đến 5.000-7.000 đô la cho xe hơi điện. Xe máy điện có thể ít hơn nhưng cũng nên từ 10-20% giá trị chiếc xe để khuyến khích việc chuyển đổi.
Điều thứ nhì là một khoản thời gian chuẩn bị đủ cho người dân tiết kiệm tiền mua xe hay tìm nơi bán xe cũ. Nên sử dụng cách tính mua một xe điện trả góp, sao cho sau khi đã trừ tín dụng khuyến khích, cần có một khoản thời gian cho một người có thu nhập trung bình đủ thời gian trả góp mà không ảnh hưởng đến mức chi tiêu thường xuyên. Thiết nghĩ cột mốc cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ ngày 1-7-2026 trong khu vực Vành đai 1 là quá nhanh, nên giãn ra thêm một vài năm nữa.
Còn nhớ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định xe máy phải kiểm định khí thải tại các trung tâm đăng kiểm từ đầu năm 2025 trở đi. Nên sớm thực thi quy định này, đặt ra những ngưỡng phát thải, loại cấm ngay, loại sẽ cấm từ giữa năm sau dựa trên kết quả kiểm định. Đây cũng chính là lộ trình phù hợp để người dân tuân thủ.
Điều cuối cùng, có thể thấy trong khi mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu bắt đầu bị cấm từ giữa năm sau, ô tô chạy xăng dầu vẫn còn lưu thông được cho đến đầu năm 2028 mới bị hạn chế trong khu vực Vành đai 1 và 2. Đây là điều không công bằng vì người sở hữu ô tô thường là người có điều kiện tài chính cao hơn người sử dụng xe máy.
Đã cấm, nên cấm cùng lúc cả xe máy và ô tô vì giảm khí thải từ xe máy nhưng tăng khí thải từ ô tô thì cũng như không vì người đi xe máy sẽ phải chuyển sang cách di chuyển khác, kể cả tăng sử dụng phương tiện công cộng, ô tô, cũng đều chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Cách hay nhất vẫn là có lộ trình cấm như nhau nhưng mức ưu đãi khuyến khích cho người sử dụng ô tô có thể cao hơn để giúp họ chuyển đổi.
Chịu tác động trước chính sách này không chỉ là người dân mà còn là doanh nghiệp, nhất là từ sau khi cấm ô tô chạy xăng dầu lưu thông nội đô. Vì thế cũng cần có chính sách hỗ trợ, từ miễn giảm thuế cho doanh nghiệp có nhiều nhân viên giao hàng bằng xe máy chạy xăng dầu đến tín dụng thuế cấp cho doanh nghiệp mua xe điện vận chuyển hàng. Một lộ trình rõ ràng, kèm theo các biện pháp minh bạch để hỗ trợ cả người dân và doanh nghiệp sẽ giúp chính sách nhằm bảo vệ môi trường vừa được hoan nghênh vừa dễ dàng đi vào cuộc sống.
Nguyễn Vũ