Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Công ty BSR triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030, BSR xác định việc tiếp tục duy trì và vận hành Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 về tình hình cung ứng xăng dầu do Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty BSR đã trình bày kế hoạch triển khai lộ trình quốc gia về nhiên liệu sinh học, trong đó có việc sản xuất xăng E10 từ nguồn nguyên liệu Ethanol của Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Công ty BSR về triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030, việc tiếp tục duy trì, vận hành Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
BSR đã quán triệt sâu sắc lộ trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Công ty đang đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 57 về phát triển bền vững, hướng đến giảm phát thải, nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động thích ứng xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
Việc tái khởi động Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất là bước đi chiến lược, không chỉ nhằm chủ động nguồn cung Ethanol trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, mà còn góp phần giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông - một trong những nguồn phát thải lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Theo định hướng mới của Bộ Công Thương, từ ngày 01/01/2026, toàn bộ xăng lưu thông trên thị trường sẽ phải pha 10% Ethanol, áp dụng cho cả hai loại xăng A92 và A95. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ xăng thương mại sẽ được chuyển đổi sang xăng E10. Với mức tiêu thụ xăng nội địa khoảng 1 - 1,2 triệu m³/tháng (tương đương 12 – 15 triệu m³/năm), lượng Ethanol cần thiết để pha chế dự kiến khoảng 1,2 - 1,5 triệu m³/năm.
Hiện tại, năng lực sản xuất Ethanol trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 450.000 m³/năm (40% nhu cầu), phần còn lại vẫn phải nhập khẩu. Trong bối cảnh giá Ethanol thế giới biến động, cạnh tranh gia tăng và các chính sách thuế nhập khẩu có thể thay đổi, việc khôi phục và vận hành ổn định các nhà máy Ethanol nội địa là giải pháp cấp thiết.
Quang cảnh nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất
Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, do Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung quản lý, được khởi công từ tháng 9/2009 trên diện tích 24,62 ha tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Năm 2014, nhà máy vận hành thương mại, sản xuất khoảng 330 tấn Ethanol/ngày, đóng góp quan trọng vào thị trường xăng sinh học E5 trong nước.
Trước yêu cầu thực tế và cơ hội từ chính sách năng lượng xanh, Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung đã xây dựng phương án khôi phục hoạt động nhà máy theo hình thức hợp tác kinh doanh. Theo ông Phạm Văn Vượng - Giám đốc công ty: “Phương án được xây dựng chi tiết, với lộ trình chuẩn bị hoàn tất trong tháng 7 - 8/2025, khởi động lại vào tháng 9, vận hành thử trong tháng 10 và chính thức sản xuất thương mại từ tháng 11/2025. Toàn bộ chi phí sửa chữa, đầu tư bổ sung thiết bị sẽ do Công ty và các đối tác cùng thực hiện. Đặc biệt, công suất hệ thống thu hồi CO₂ sẽ được nâng thêm 40 – 50 tấn/ngày nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế.”
Sự trở lại của Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất là tín hiệu tích cực cho toàn ngành năng lượng Việt Nam trong nỗ lực xanh hóa và giảm phát thải. Tập đoàn Petrovietnam đã chỉ đạo quyết liệt việc tái khởi động các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học để chủ động nguồn cung nội địa, hạn chế nhập khẩu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Kỹ sư phòng thí nghiệm Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất
Được biết, vào ngày 17/2/2012, Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất đã xuất bán lô sản phẩm thương mại đầu tiên - 10 m³ Ethanol cho Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) để phối trộn xăng E5 tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung. Nhà máy được xây dựng tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có quy mô đầu tư 80 triệu USD, công suất 100.000 m³/năm, sử dụng công nghệ bản quyền của Delta-T (Hoa Kỳ), do liên danh nhà thầu PTSC - Alfa Laval (Ấn Độ) triển khai. Nhà máy sử dụng nguyên liệu sắn lát để sản xuất Ethanol và đã cho ra mẻ sản phẩm đầu tiên vào ngày 03/2/2012.
Từ năm 2015, BSR đã thực hiện phối trộn xăng E5 RON 92 tại hệ thống kho của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và phân phối thương mại thành công. Dự kiến trong tháng 8 tới, BSR sẽ tiến hành thử nghiệm pha chế xăng E10 và tổ chức xuất bán bằng đường bộ đến các tỉnh miền Trung.
Việc chủ động sản xuất và phân phối xăng sinh học không chỉ giúp BSR tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn là một bước tiến vững chắc trong hành trình phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Nguyễn Đăng Lâm