LTS: Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng vừa có Chỉ thị giao các bộ, ngành địa phương thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có yêu cầu Hà Nội và TP.HCM triển khai giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện chạy bằng xăng sang điện. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của ông Đỗ Đức Thắng, công tác tại Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng – Bộ Xây dựng về vấn đề này.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và nhu cầu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch là xu thế tất yếu của thế giới. Tại Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí do khí thải phương tiện đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống người dân và cảnh quan đô thị.
Vì vậy, việc xây dựng và triển khai lộ trình phát triển xe điện để từng bước thay thế các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe xăng, dầu) là giải pháp cấp bách và chiến lược.
Sớm phát triển và hoàn thiện hạ tầng trạm sạc điện
Để đạt được mục tiêu xanh hóa hệ thống giao thông điều đầu tiên là chúng ta phải xây dựng khung pháp lý và chính sách. Công tác này Chính phủ chủ trì chỉ đạo các bộ, ngành địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM khẩn trương nghiên cứu, ban hành một lộ trình và kế hoạch cụ thể về phát triển xe điện trên phạm vi toàn quốc.
Với lộ trình này, Nhà nước cần đưa ra các mục tiêu định lượng theo từng giai đoạn đảm bảo tính khả thi và linh hoạt. Ví dụ, tỉ lệ xe điện trên tổng số phương tiện, tỉ lệ giảm phát thải.
Thêm vào đó, chúng ta cần ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi toàn diện về tài chính (thuế, phí trước bạ, tín dụng ưu đãi), chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất, lắp ráp xe điện và phát triển hạ tầng sạc.
UBND Hà Nội, TP.HCM và các địa phương trọng điểm cần có chỉ đạo quyết liệt trong việc xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị đầy đủ, bao gồm hạ tầng sạc điện, điểm dừng đỗ cho xe điện tại các khu vực công cộng, khu dân cư, trung tâm thương mại và tuyến đường chính.
Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào hạ tầng sạc, đảm bảo tính đồng bộ, dễ tiếp cận và thời gian sạc ngắn.
Chúng ta cũng cần nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ sạc tiên tiến, an toàn và hiệu quả, đồng thời lồng ghép quy hoạch hạ tầng sạc vào quy hoạch đô thị.
Đối với giao thông công cộng, Hà Nội, TPHCM và các địa phương cần ưu tiên chỉ đạo chuyển đổi toàn bộ các loại hình giao thông công cộng như xe buýt, xe taxi, xe khách, tàu điện, xe điện du lịch... sang sử dụng xe điện theo lộ trình cụ thể.
Việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện cần có bước đi phù hợp. Ảnh: V.LONG
Song song đó Nhà nước cần tạo cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải công cộng chuyển đổi đội xe, nâng cao chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ. Việc này các cấp có thể thông qua gói vay ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hạ tầng sạc tại bến bãi, hoặc chính sách đấu thầu dịch vụ ưu tiên xe điện.
Cần đội ngũ tiên phong
Một việc cần lưu ý trong quá trình chuyển xe xăng sang xe điện nên theo hướng "cán bộ đi trước làng nước theo sau".
Cụ thể, đối với xe công vụ, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương chủ trì việc chuyển đổi dần toàn bộ xe công vụ từ xe chạy bằng xăng sang xe điện. Lộ trình này nên được thực hiện theo từng giai đoạn phù hợp, trong đó khuyến khích sự tiên phong từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành trung ương.
Hà Nội, TP.HCM và các địa phương cần ưu tiên chỉ đạo chuyển đổi toàn bộ các loại hình giao thông công cộng như xe buýt, taxi, xe khách, tàu điện, xe điện du lịch... sang sử dụng xe điện theo lộ trình cụ thể.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, đồng thời các tập đoàn phát triển xe điện nên có cơ chế hỗ trợ về giá và dịch vụ để các cơ quan này dễ dàng thực hiện việc chuyển đổi.
Chính phủ cũng cần chỉ đạo, Bộ, ngành ủng hộ Hà Nội, TP.HCM ban hành các văn bản hướng dẫn và chính sách ưu đãi để khuyến khích các tổng công ty, tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn chuyển đổi xe của doanh nghiệp sang xe điện.
Việc chỉ đạo cần linh hoạt, mềm dẻo, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chủ động chuyển đổi, nhận thấy lợi ích và hiệu quả lâu dài của việc sử dụng xe điện. Các chính sách ưu đãi có thể bao gồm hỗ trợ về vốn, thuế hoặc xây dựng trạm sạc nội bộ.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước phải có chính sách khuyến khích, động viên, biểu dương và khen thưởng kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan trung ương khi tiên phong chuyển đổi sang sử dụng xe điện.
Các đơn vị sản xuất xe điện cần nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi về giá và dịch vụ hậu mãi để hỗ trợ nhóm đối tượng trên, đảm bảo tính tự nguyện và tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực.
Hiện nay đa số người dân đang dùng xe chạy bằng xăng. Ảnh: P.HÙNG
Đối với người dân, chúng ta cần tuyên truyền sâu rộng, đa dạng hóa hình thức truyền thông để khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện. Cần có lộ trình 5-10 năm mỗi năm giảm khoảng 10-20% phương tiện xe xăng để người dân thích nghi dần với loại hình và phương tiện mới. Tăng cường sự hiện diện của xe điện tại các điểm công cộng (điểm dừng xe buýt, hè phố...) để người dân dần được trải nghiệm.
Các đơn vị sản xuất xe điện cũng cần tiếp tục nghiên cứu, cải tiến và đổi mới các dòng xe điện để đáp ứng đa dạng về thiết kế, đảm bảo tính năng vượt trội. Chẳng hạn như nâng cao quãng đường đi được trong một lần sạc, rút ngắn thời gian sạc, đồng bộ và dễ tiếp cận các điểm sạc.
Hỗ trợ lắp trạm sạc cho người dân
Việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện là để chúng ta xây dựng một hệ sinh thái giao thông điện đồng bộ, bền vững, góp phần cải thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy công nghiệp xanh.
Vì vậy, Nhà nước cần triển khai các chính sách hỗ trợ cụ thể như ưu đãi giá, hỗ trợ lắp đặt trạm sạc tại nhà (nếu phù hợp), và các chính sách động viên như “Tri ân người tiên phong”, cộng điểm cho công dân sử dụng xe điện.
ĐỖ ĐỨC THẮNG, Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ Xây dựng