Cuộc đời binh nghiệp lẫy lừng của ông chủ yếu gắn liền với quê hương Bến Tre và sông nước Cửu Long trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ cho đến khi thống nhất nước nhà bằng đại thắng mùa xuân năm 1975.
Từ phải sang: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tướng Đồng Văn Cống, thượng tướng Hoàng Cầm, trung tướng Lê Văn Tưởng trong một dịp hội ngộ ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Từ chỉ huy du kích Tân Hào đến anh cả LLVT Bến Tre
Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của phong trào Đồng khởi nổi tiếng, xứ dừa Bến Tre sản sinh nhiều nhân vật lịch sử và có số chiến binh được phong hàm tướng đông nhất Nam Bộ, tiêu biểu như: Dương Văn Dương, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Văn Sĩ, Nguyễn Văn Thạnh, Trần Minh Phú, Lê Văn Dũng, Huỳnh Tiền Phong, Võ Viết Thanh, Nguyễn Hữu Vị, Trần Phi Hổ, Vũ Khắc Sương, Trần Minh Tích, Võ Hồng Quang, Huỳnh Xuân Quang, Lê Phú Tươi, Lê Văn Phích, Huỳnh Chiến Thắng…
Dù không phải vị tướng được phong đầu tiên hay có quân hàm cao nhất, nhưng với sự nghiệp lẫy lừng, nhân cách cao quý, tầm ảnh hưởng sâu rộng, trung tướng Đồng Văn Cống được tôn vinh như anh cả các LLVT Bến Tre.
Khi quân Pháp nổ súng tái xâm lược Nam Bộ, Đồng Văn Cống với tư cách Bí thư Chi bộ xã Tân Hào của huyện Giồng Trôm đã xây dựng đội du kích xã ngày 12/2/1946, với 36 người trang bị vũ khí thô sơ như súng săn, mã tấu, dao găm, lựu đạn. Chỉ trong thời gian ngắn, đội du kích đã trưởng thành vượt bậc, thu hút thanh niên các xã lân cận tham gia, với quân số lên đến 80 người. Đội du kích được Nhân dân trìu mến gọi biệt danh “Bộ đội Tân Hào” hay “Bộ đội ông Cống” đã lập nhiều chiến công vang dội, như tiêu diệt một trung đội lính lê dương tại cầu bà Ba Ngỡi, đánh tan quân địch trú đóng ở chợ Hương Điểm, Bàu Dơi, Châu Phú…
Nhìn thấy đội du kích Tân Hào lớn mạnh, Khu trưởng Khu 8 Trần Văn Trà đã quyết định thành lập Chi đội 19 và phân công Đồng Văn Cống làm Chi đội trưởng, hoạt động ở Bến Tre và các tỉnh kề bên.
Sau này, ngày 12/2 kỷ niệm thành lập đội du kích Tân Hào của chiến tướng Đồng Văn Cống đã được Tư lệnh Quân khu 9 chính thức công nhận là Ngày truyền thống của LLVT Bến Tre.
Mang gươm ngang dọc bưng biền
Trung tướng Đồng Văn Cống (1918-2005). Ảnh tư liệu
Trung tướng Đồng Văn Cống cầm tinh con ngựa, tuổi Mậu Ngọ, sinh tháng 2/1918 trong một gia đình nông dân tại xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông cố quê ở Vĩnh Phúc, vì điều kiện mưu sinh mà năm Tự Đức thứ hai đã di cư vào Nam làm thuê kiếm sống. Ông nội và cha của Đồng Văn Cống cũng phải đi ở đợ làm tá điền cho địa chủ.
Thời trẻ Đồng Văn Cống cao to, điển trai, có sức vóc mạnh hơn người, thích hoạt động xã hội, chơi thể thao, nhất là bóng đá. Khi giặc Pháp tái chiếm Nam Bộ, Đồng Văn Cống cùng bạn bè tìm được 4 cây súng lửa, cùng giáo gươm, tổ chức trừ gian diệt tề. Ông thường mang bên mình một cây gươm cướp được của quân Nhật để chỉ huy du kích Tân Hào đánh địch, trông oai phong lẫm liệt như những chiến tướng ngày xưa trong sử sách phim ảnh. Tài năng quân sự bẩm sinh của ông có dịp thể hiện.
Sinh thời, lão tướng từng kể: “Chúng tôi vừa đánh giặc vừa cướp vũ khí của giặc để tự trang bị cho mình. Lúc ấy chưa có bộ đội chính quy, chỉ có dân quân du kích. Mọi thứ đều tự túc, chứ chưa có chế độ về khí tài, quân trang. Đơn vị tôi phát triển sớm nhất và mạnh nhất tỉnh Bến Tre cũng như toàn Khu 8. Sau đó, cấp trên giao tôi đi thuyết phục anh em, tổ chức biên chế các lực lượng quân sự ở Bến Tre thành 7 trung đội, rồi tách 4 trung đội thành lập Chi đội 19 do tôi làm Chi đội trưởng, hoạt động ở Bến Tre - Gò Công, 3 trung đội còn lại thành lập Chi đội 20 hoạt động ở 2 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long. Sang năm 1947, bộ đội phát triển nhanh, Bộ Tư lệnh Khu 8 tổ chức thành lập Trung đoàn 99 gồm 2 tiểu đoàn. Tôi được cử làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 99 kiêm Tỉnh đội trưởng Bến Tre, cùng anh em liên tục chiến đấu”.
Chi đội 19 do Đồng Văn Cống chỉ huy đã đánh thắng nhiều trận, tiêu biểu như đánh đồn Lộc Thuận, chặn viện và diệt nhiều sinh lực một tiểu đoàn của Pháp ở Thới Lai, thu 100 súng, có nhiều trung liên. Mùng 2 tết Nguyên đán năm 1947, Chi đội 19 vận động phục kích giữa ban ngày tiêu diệt một đại đội Pháp có xe thiết giáp yểm trợ, thu 150 súng, với nhiều trung liên, đại liên, bazooka, cối các loại và nhiều quân dụng. Đặc biệt, chiến công lớn nhất của Chi đội 19 mãi được lưu truyền là đánh chặn đà tiến công hùng hổ của Binh đoàn Cơ động lê dương Pháp khi chúng dự định càn quét miền Tây Nam Bộ, góp phần chặn đứng âm mưu tốc quyết tốc thắng của địch tại đồng bằng sông Cửu Long…
“Nam Bắc thống nhất một nhà, lòng tôi xúc động vô cùng!”
Năm 1954, ông Đồng Văn Cống với tư cách Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Tham mưu trưởng Phân Liên khu miền Đông do ông Trần Văn Trà làm tư lệnh, đã tham gia ban liên hiệp đình chiến rồi đưa quân tập kết ra Bắc. Ông được phong quân hàm đại tá, làm Tư lệnh Sư đoàn 330. Sau khi học bồi dưỡng nghệ thuật quân sự ở Trung Quốc trở về, ông được cử làm Phó Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn, Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy Khu III, Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, tham gia chỉ huy mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
Năm 1963, ông về lại chiến trường miền Nam đánh Mỹ, lần lượt được giao nhiều trọng trách: Tư lệnh Khu 8 và Khu 9, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Tư lệnh Quân đoàn Dự bị chiến lược trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông còn là Tư lệnh tiền phương Quân khu 7, dẫn đầu một cánh quân sang đập tan tập đoàn diệt chủng Pol Pot giải phóng Phnôm Pênh. Ông được thụ phong thiếu tướng năm 1974, trung tướng năm 1980.
Nhìn từng con đường, từng góc phố, từng ngôi nhà rợp bóng cờ sao, tôi cảm thấy rất mãn nguyện. Nhiệm vụ của người lính chiến đấu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc đã hoàn thành. Có thể nói, đó là những giờ phút đẹp nhất trong cuộc đời binh nghiệp mà tôi mơ ước.
Trung tướng Đồng Văn Cống
Từ bưng biền xứ dừa Bến Tre và sông rạch Cửu Long Giang thời 9 năm chống Pháp, “Bộ đội ông Cống” đã là nỗi kinh hoàng cho quân thù. Tài năng quân sự của người chỉ huy trẻ xứ dừa sớm bộc lộ, khẳng định qua từng trận đánh, chiến công. Ông là người lính đi lên vững chắc từng bước và nhanh chóng xác lập vị trí lãnh đạo cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, quân khu góp phần thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp ở Nam Bộ. Đến những năm đánh Mỹ, cái tên Đồng Văn Cống với tư cách là một trong những vị chỉ huy chủ chốt của quân Giải phóng miền Nam, lại thường xuyên xuất hiện cả trên báo đài chính quyền Sài Gòn. Không ít giai thoại được truyền tụng quanh cái tên ấy. Đối phương nể phục. Đồng đội và những người lính quân giải phóng tự hào về ông.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tướng Đồng Văn Cống ở lại hậu cứ giữ quyền Chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền kiêm Tư lệnh Quân đoàn Dự bị chiến lược. Sáng 1/5/1975, ông cùng đoàn quân chiến thắng sớm có mặt tại dinh Độc Lập lo tổ chức chuẩn bị đón Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Miền vào tiếp quản thành phố. Vị tướng nhớ lại: “Nhìn cảnh quần chúng xuống đường mừng thành phố giải phóng, đất nước hòa bình, Nam Bắc thống nhất một nhà, lòng tôi xúc động vô cùng. Sức mạnh của quần chúng lớn lắm. Với sự thâm nhập vận động của cán bộ hoạt động thành, khi tướng Dương Văn Minh chưa tuyên bố đầu hàng thì quần chúng cách mạng đã nổi dậy làm chủ hơn 40 khu vực trong thành phố. Giải phóng Sài Gòn là sự kết hợp giữa tấn công của bộ đội chủ lực với sự nổi dậy của các lực lượng quần chúng”.
Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, tướng Đồng Văn Cống lại ra trận. Trước khi lui về an nghỉ, ông là Phó Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1990.
Cách đây 20 năm, vào ngày 6/8/2005, chiến tướng Đồng Văn Cống đã qua đời ở tuổi 88 trong sự tiếc thương của mọi người, nhất là Nhân dân và đồng đội miền sông nước Cửu Long. Nhà nước đã truy tặng ông danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào năm 2011 và Nhân dân Bến Tre lập đền thờ ông tại xã Tân Hào.
PHAN HOÀNG