Theo báo cáo từ Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm nay, đơn vị đã thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án, trong đó có 8 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 14.072 tỷ đồng và 2 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư 12,93 triệu USD.
Cùng với đó, đơn vị cũng thực hiện điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án; giảm tổng vốn đầu tư 621,8 tỷ đồng. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, các khu kinh tế và khu công nghiệp của tỉnh có 198 dự án đầu tư còn hiệu lực.
Cảng Vũng Áng là "thỏi nam châm" thu hút các dự án đầu tư lớn vào KKT Vũng Áng.
Ông Phạm Trần Đệ - Phó trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Kết quả thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc và cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 là nhờ đơn vị đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Bám sát Quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, chúng tôi đã tập trung vào quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp để làm cơ sở thu hút đầu tư các dự án vào sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Cùng với đó, ban đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương các cấp để giải phóng mặt bằng, tạo ra quỹ đất và không gian phát triển cho các dự án; tăng cường khai thác các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào, kết cấu hạ tầng chung của KKT; tiếp tục cải cách hành chính, thủ tục, xử lý hồ sơ, đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”.
Không chỉ tạo sức hút vào các khu kinh tế, bức tranh thu hút đầu tư những tháng đầu năm của Hà Tĩnh khởi sắc ở tất cả các lĩnh vực, đa dạng ngành nghề. Bên cạnh các dự án công nghiệp, lĩnh vực: tài nguyên môi trường, du lịch, bất động sản, kinh doanh xăng dầu… cũng thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng.
Nhà máy sản xuất tinh luyện Ferro Chromnium Cacbon thấp Lirr Việt Nam (KKT Vũng Áng) được chấp thuận chủ trương đầu tư trong tháng 3/2025 và đang triển khai thi công nhà xưởng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 18 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 16.500 tỷ đồng, 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 12,93 triệu USD. Trong đó, một số dự án quy mô lớn được chấp thuận như: Khu đô thị mới tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc cũ (nay là xã Can Lộc) với tổng vốn đăng ký hơn 1.300 tỷ đồng; Công viên Nghĩa trang Thiên Cầm với tổng vốn đăng ký hơn 145 tỷ đồng; Khu dân cư An Hòa Thịnh tại xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn cũ (nay là xã Sơn Tiến) với tổng vốn đăng ký hơn 195 tỷ đồng…
Đáng chú ý phải kể đến là 2 dự án có vốn FDI vào KKT Vũng Áng, bao gồm: Nhà máy sản xuất tinh luyện Ferro Chromnium Cacbon thấp Lirr Việt Nam và nhà máy sản xuất cây thông Noel nhân tạo.
So với cùng kỳ năm 2024, thu hút đầu tư tăng 3 dự án và gấp 3 lần tổng vốn đăng ký. Thống kê đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có hơn 1.550 dự án quy mô với tổng vốn đầu tư khoảng 550.000 tỷ đồng; trong đó có hơn 1.480 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 150.000 tỷ đồng; 73 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 16,1 tỷ USD.
Lãnh đạo Trung ương và địa phương dự lễ khánh thành Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Khu kinh tế Vũng Áng trong tháng 6/2025.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh: Hiện nay, thời gian xử lý hồ sơ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp trung bình đạt 1,2 ngày, giảm 1,8 ngày so với quy định của Luật Doanh nghiệp; 100% hồ sơ được trả kết quả đúng hạn, trong đó trên 94% hồ sơ được trả trước hạn, trên 97% hồ sơ đăng ký kinh doanh và 100% hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư được nộp qua mạng… Đây là những nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác cải cách hành chính nhằm tạo môi trường thông thoáng thu hút các nhà đầu tư về với Hà Tĩnh. Cùng với đó, Hà Tĩnh được đánh giá là địa phương ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đây chính là động lực để các nhà đầu tư tìm đến với Hà Tĩnh.
Ngoài các dự án được chấp thuận mới, những tháng đầu năm, thu hút đầu tư của Hà Tĩnh có nhiều khởi sắc khi một số dự án trọng điểm được chấp thuận những năm trước cũng đang tích cực được triển khai. Đây là tiền đề để Hà Tĩnh thu hút thêm nhiều dự án lớn về địa bàn, qua đó góp phần tạo thêm nhiều việc làm và đưa kinh tế địa phương phát triển bền vững.
Nhộn nhịp thi công trên công trường Khu công nghiệp VSIP Hà Tĩnh.
Được xem là "thỏi nam châm" thu hút đầu tư, thời điểm này, Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore đang chỉ đạo các nhà thầu thi công san lấp mặt bằng Khu công nghiệp VSIP Hà Tĩnh (xã Việt Xuyên). Trên khắp công trường, nhịp điệu sôi động được 3 nhà thầu bao gồm: Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Đông Anh (Hà Tĩnh), Công ty CP Xây dựng số 5 (Hà Tĩnh) và Công ty TNHH Đại Hiệp (Nghệ An) duy trì với hàng trăm máy móc và phương tiện các loại.
Dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2027, Khu công nghiệp VSIP Hà Tĩnh sẽ thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực điện và điện tử, bán dẫn, cơ khí chính xác, may mặc… Dù đang triển khai thi công nhưng hiện tại, Khu công nghiệp VSIP Hà Tĩnh đã thu hút 4 nhà đầu tư thứ cấp tiềm năng với nhu cầu quỹ đất khoảng 77 ha. VSIP được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với nhiều điểm sáng trong thu hút đầu tư những tháng đầu năm, Hà Tĩnh đang tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn tới, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Tĩnh xác định tập trung thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân theo đúng định hướng Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Khu công nghiệp VSIP Hà Tĩnh hoàn thành cuối tháng 6/2027 sẽ là "thỏi nam châm" thu hút đầu tư cho địa phương.
Để rộng cửa “đón đại bàng”, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án, Hà Tĩnh tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phan Trâm