Vì sao Hà Tĩnh cần ban hành chính sách phát triển thương mại và logistics mới?

Vì sao Hà Tĩnh cần ban hành chính sách phát triển thương mại và logistics mới?
7 giờ trướcBài gốc
Theo đó, nội dung chính của Tờ trình tập trung vào quy định cụ thể một số chính sách gồm: chính sách phát triển hạ tầng thương mại, thương mại biên giới; chính sách đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm lĩnh vực công thương; chính sách xúc tiến thương mại; chính sách hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy xuất khẩu; chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.
Việc ban hành chính sách phát triển thương mại và logistics trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2026-2030 là cần thiết.
Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Tĩnh, thời gian qua, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, logistics được quan tâm đầu tư và có cải thiện nhất định. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng, kho, bãi tại các khu vực cửa khẩu cảng biển còn hạn chế.
Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu còn ít, kim ngạch chưa cao, mặt hàng chưa đa dạng, năng lực sản xuất các mặt hàng xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn.
Với yêu cầu ngày càng cao trong việc cần khuyến khích phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… để đáp ứng tiêu chí quy định của pháp luật và xu hướng tiêu dùng hiện nay thì hạ tầng thương mại cần được quan tâm đầu tư, nâng cấp từng bước hiện đại.
Theo thông tin từ Hải quan Vũng Áng: Từ khi có chính sách hỗ trợ vận chuyển hàng hóa qua cảng Vũng Áng, trong giai đoạn 2021-2023, trung bình hằng tháng có ít nhất là 2 chuyến tàu cập cảng Vũng Áng để vận chuyển hàng hóa bằng container cho các doanh nghiệp và chủ hàng, bước đầu đã phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong vận chuyển nguyên liệu phục vụ sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Tuy nhiên, từ tháng 12/2023 đến nay, không thực hiện được chuyến tàu nào vận chuyển hàng hóa vào cập cảng Vũng Áng. Nguyên nhân do hiện tại, các nguồn hàng hóa sản xuất nội tại trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, không thường xuyên và chi phí vận tải qua cảng Vũng Áng khó cạnh tranh với các hãng tàu tại cảng Cửa Lò về chi phí vận tải cũng như tần suất khai thác; còn lại các nguồn hàng khác thì theo mùa vụ như phân bón, nông sản…
Ngoài ra, chi phí đường bộ đưa hàng đến Vũng Áng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá thành khiến cước vận tải biển buộc phải giảm sâu để đảm bảo đơn giá chào cạnh tranh nhằm thu hút và giữ chân khách hàng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác tuyến cảng Vũng Áng, đặc biệt trong giai đoạn hàng hóa thấp điểm và phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng tàu khác tại cảng Cửa Lò (Nghệ An), cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Mặt khác, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2024 đạt 6,2%/năm, có xu hướng chậm lại so với các tỉnh trong khu vực như Nghệ An và Thanh Hóa.
Từ cơ sở thực tiễn, việc ban hành chính sách phát triển thương mại và logistics trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2026-2030 là cần thiết, nhằm khuyến khích phát triển lĩnh vực thương mại, logistics trên địa bàn một cách đồng bộ và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Hiện nay, toàn tỉnh có 151 chợ truyền thống; 70 cửa hàng tiện lợi thuộc chuỗi Winmart+, Coopfood, Bách hóa xanh; 4 siêu thị, 1 trung tâm thương mại và nhiều siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa.
Tỉnh quy hoạch 4 trung tâm logistics (2 trung tâm logistics tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng, 1 trung tâm tại Đức Thọ và 1 trung tâm tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo), thời gian qua tỉnh đã tích cực tuyên truyền, thu hút đầu tư nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư triển khai. Tại Nghị quyết số 113/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh có nội dung chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kho hàng hóa, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chưa có doanh nghiệp nào được chấp thuận chủ trương đầu tư Trung tâm Logistics, kho hàng hóa.
Thủy Linh
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/vi-sao-ha-tinh-can-ban-hanh-chinh-sach-phat-trien-thuong-mai-va-logistics-moi-192250709101043966.htm