Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc tiếp xúc cử tri ở bang Pennsylvania. Ảnh: FT.
Kế hoạch tăng thuế hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ của ông Donald Trump với niềm tin mức thuế nhập khẩu cao sẽ buộc các nhà sản xuất chuyển nhà máy về Mỹ đã khiến một số công ty lớn ở châu Á lo lắng về việc trở lại Nhà Trắng của cựu tổng thống Mỹ, theo Bloomberg.
Các công ty châu Á này vốn đã đầu tư và có kế hoạch đầu tư vào Mỹ, nhưng đang lo ngại ông Trump có thể hủy bỏ các ưu đãi thuế và trợ cấp của chính quyền Biden.
Thay đổi chính sách
Thời gian qua, Toyota, Hyundai, TSMC và Samsung đã mở rộng hoạt động tại Mỹ để tận dụng nền kinh tế mạnh mẽ và hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi công nghiệp của Tổng thống Biden.
Theo dữ liệu từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), kể từ năm 2021, đã có hơn 110 tỷ USD đầu tư mới vào Mỹ mỗi năm. Các nền kinh tế phát triển ở Đông Á dẫn đầu xu hướng này với tổng cộng 147 tỷ USD từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) trong 3 năm qua.
Đà tăng trưởng của dòng vốn này đến từ các chính sách thu hút đầu tư của ông Biden. Trước đó, chính quyền Biden đã đưa ra Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) nhằm cung cấp các khoản tín dụng thuế và các ưu đãi khác cho sản xuất xe điện, năng lượng tái tạo, nhiên liệu hàng không bền vững và hydro. Ngoài ra, Đạo luật CHIPS và Khoa học năm 2022 cũng mang đến các ưu đãi để thúc đẩy sản xuất ngành bán dẫn tiên tiến tại Mỹ.
Tuy nhiên, trong những cuộc phỏng vấn gần đây, ông Trump đã chỉ trích Đạo luật IRA là một “trò lừa đảo” còn Đạo luật CHIPS và Khoa học là một "thỏa thuận tồi". Cựu tổng thống Mỹ cho rằng Đài Loan “đã cướp ngành công nghiệp chip” của nước Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng áp thuế cao sẽ là cách hiệu quả hơn để buộc các công ty xây dựng nhà máy tại nước này.
“Kế hoạch của tôi là chấm dứt Thỏa thuận xanh mới (Green New Deal) và thu hồi các quỹ chưa chi tiêu theo IRA đã đặt tên sai", ông Trump tiết lộ cương lĩnh chính sách kinh tế trong bài phát biểu vào tháng 9.
Chia sẻ với Reuters, cố vấn cấp cao chiến dịch tranh cử của ông Trump, Brian Hughes chỉ ra rằng Đạo luật IRA đã góp phần gây ra lạm phát và làm tăng thâm hụt của chính phủ liên bang, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về cách ông Trump sẽ xử lý IRA nếu giành lại Nhà Trắng.
Suy giảm dòng vốn từ châu Á
Theo nhà phân tích Corey Cantor của BNEF, nhiều điều khoản liên quan ngành xe điện có thể là mục tiêu chính cần bãi bỏ nếu ông Trump thắng cử, đặc biệt là nếu Đảng Cộng hòa nắm giữ cả thượng viện và hạ viện của quốc hội Mỹ.
Ông cho biết thêm các quy định về tiêu thụ nhiên liệu và khí thải gần như chắc chắn bị sửa và có thể hủy ưu đãi thuế 7.500 USD cho xe điện.
Các công ty Hàn Quốc đã đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp pin tại Mỹ, với các doanh nghiệp như LG Energy Solution và SK On xây dựng nhà máy tại Arizona, Georgia và Michigan. Tuy nhiên, nhu cầu về xe điện không lớn như dự đoán, và nếu một chính quyền Trump mới cắt giảm trợ cấp từ Đạo luật IRA, điều này có thể gây thiệt hại tài chính và làm suy yếu lý do đầu tư của các doanh nghiệp này.
Đầu tư vào Mỹ tăng vọt trong những năm gần đây. Biểu đồ: Bloomberg.
LG Energy cho biết đã nhận thấy rủi ro đối với các kế hoạch tại Mỹ do doanh số bán xe điện thấp hơn kỳ vọng và khả năng ông Trump sẽ bãi bỏ các chính sách ưu đãi xe điện hiện tại. Vào tháng 7, công ty đã hạ mục tiêu doanh thu hàng năm sau khi lợi nhuận quý II không đạt dự báo của các nhà phân tích và đề cập đến sự gia tăng bất ổn chính trị trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Theo một nhóm nghiên cứu có liên quan đến chính phủ, nền kinh tế Hàn Quốc có khả năng suy thoái nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng và tăng thuế với các đối tác thương mại.
Ngoài ra, TSMC của Đài Loan cũng đã thông báo vào tháng 8 rằng sẽ mở rộng khoản đầu tư theo kế hoạch thêm 25 tỷ USD lên 65 tỷ USD và mở nhà máy thứ 3 tại Arizona vào năm 2030 để sản xuất chip. Các nhà máy này là một phần quan trọng trong nỗ lực của chính quyền Biden nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng chip và đảm bảo Mỹ ít phụ thuộc hơn vào sản xuất nước ngoài.
Thực tế, dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ đã lấy lại vị trí là điểm đến quan trọng nhất cho xuất khẩu trực tiếp từ Nhật Bản và Đài Loan, đồng thời đang ngang ngửa với Trung Quốc về thị trường với các nhà xuất khẩu Hàn Quốc. Nhu cầu mạnh mẽ từ Mỹ diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, góp phần thay đổi mô hình thương mại toàn cầu.
Cùng với đó là xu hướng giảm đầu tư vào Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Liên hợp quốc, so với dòng vốn đầu tư mới vào Mỹ đạt 428 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2023, các công ty nước ngoài chỉ cam kết đầu tư chưa tới 100 tỷ USD vào Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, cho đến khi có sự rõ ràng về chính sách công nghiệp và thương mại của Mỹ, các công ty châu Á có thể tạm hoãn các kế hoạch đầu tư mới vào nước này.
Ông David Boling, Giám đốc thương mại Nhật Bản và châu Á tại Eurasia Group đánh giá việc hủy bỏ các khoản trợ cấp trong IRA có thể khiến một số công ty cân nhắc lại khoản đầu tư vào Mỹ.
Tương lai của Đạo luật IRA
Dù thể hiện mong muốn cắt giảm nhiều điều khoản của Đạo luật IRA, Reuters cho rằng có nhiều lý do khiến ông Trump sẽ duy trì một số ưu đãi của đạo luật nếu trở thành tổng thống.
Đầu tiên, việc hủy bỏ bất kỳ phần nào của đạo luật đều cần sự thông qua của quốc hội. Một nhóm gồm 18 nhà lập pháp đại diện Đảng Cộng hòa từ các địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư liên quan Đạo luật IRA đã gửi thư cho Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson vào tháng 8, kêu gọi không thu hồi toàn bộ ưu đãi của đạo luật nếu đảng này giành được quyền kiểm soát hạ viện và thượng viện.
Nhà Trắng cũng cho biết IRA đã tạo ra hơn 330.000 việc làm và xóa bỏ đạo luật sẽ gây tổn hại đến các khoản đầu tư được thực hiện tại các tiểu bang của Đảng Cộng hòa.
Frank Wolak, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng pin và hydro nói rằng quốc hội cần bảo vệ các ưu đãi thuế nếu Trump thắng cử.
Ngoài ra, nhiều đồng minh của ông Trump cũng đang được hưởng lợi từ đạo luật này và có thể đối mặt thua lỗ lớn nếu đạo luật bị hủy bỏ.
Theo thống kê của Reuters, ít nhất 7 đồng minh thân cận và những người gây quỹ cho ông Trump, hoặc công ty của các cá nhân này điều hành, nắm giữ hàng trăm triệu USD cổ phần trong các công ty hưởng lợi từ các khoản giảm thuế trong IRA.
Trong đó, có con rể ông Trump Jared Kushner; đồng minh thân cận Terry Branstad; tỷ phú dầu mỏ Harold Hamm; hay Howard Lutnick.
Ngoài ra, các công ty dầu mỏ lớn như Occidental Petroleum; Energy Transfer cùng Tổng giám đốc Kelcy Warren - người ủng hộ ông Trump từ lâu; và đặc biệt là Tesla của Elon Musk, tỷ phú đang ủng hộ chiến dịch của ông Trump, cũng hưởng lợi lớn từ các khoản tín dụng xe điện và năng lượng mặt trời trong Đạo luật IRA.
Phương Linh